Chào các bác, Đèn điện tử quả thực là một lĩnh vực khá khó hiểu vì có những phát kiến cách đây gần 1 thế kỷ, nay lại trở thành trào lưu của dân DIY thế giới. Một trong số đó là mạch công suất tự đảo pha, tên tiếng Anh là self split push pull (SIPP). Tuy gọi có vẻ sang như vậy, nhưng thực chất đây là một dạng mạch cơ bản, biến thể của mạch đảo pha long tail pair (LTP). Mạch SIPP có nhiều dạng và được phát kiến lần đầu vào năm 1936. Đến năm 1961 thì lại một lần nữa được khai thác trở lại với bài giới thiệu khá chi tiết đăng tải trên tạp chí Thế giới điện tử (các bác có thể đọc toàn văn bài viết tại đây http://www.triodeel.com/compact.html). Cách vẽ ngày xưa tương đối rối rắm nên để hình dung mạch cơ bản, các bác có thể phân tích mạch simple EL84 tại file đính kèm. Theo mạch này thì phần công suất chỉ có 1 bóng EL84 tiếp nhận tín hiệu từ tầng lái. Bóng EL84 còn lại do mắc chung cathode nên nhận tín hiệu từ K của bóng đầu. Do lưới bóng 2 ghim mass trong khi K của bóng 2 luôn có 1 điện áp DC dương nên bóng 2 vẫn hoạt động được, dựa trên nguyên tắc lưới âm so với cathode. Dòng điện AC dao động được đưa vào lưới đèn đầu tạo ra một dòng điện biến đổi trên anode của đèn đầu. Dòng điện biến đổi trên điện trở cathode (trên mạch minh họa là CCS - nguồn dòng cathode) nối chung 2 đèn sẽ làm cho dòng điện qua anode đèn 2 biến đổi, nhưng ngược pha với anode đèn đầu. 2 dòng điện ngược pha triệt tiêu nhau nên người ta có thể sử dụng OPT PP (không cần air gap) trong mạch điện này. Tuy nhiên, đây không phải là mạch PP thuần và người ta có thể gọi với tên gọi khác là mạch current balancing (tự cân bằng dòng). Mạch điện này có nhiều ưu điểm: 1. tốn rất ít linh kiện; 2. mạch lái SE rất đơn giản; 3. âm thanh đặc trưng, rất gần với âm thanh của mạch SE, do bóng công suất luôn hoạt động ở chế độ class A. Vì thế có thể lợi dụng những ưu điểm trên để lắp amply đèn có giá thành thấp, linh kiện hạn chế song vẫn đạt một chất lượng âm thanh khá cao. Nhược điểm của mạch này là công suất thấp hơn đáng kể so với mạch PP sử dụng với cùng số bóng công suất. Dạng mạch công suất tự đảo pha còn có nhiều biến thể khác như lấy tín hiệu cho bóng 2 từ lưới 2 của bóng 1 (hình thứ 2 - chỉ áp dụng đối với phần công suất sử dụng bóng 4,5 cực) và nhiều biến thể khá khù khoằm khác. Các bác có thể nghiên cứu trang tổng hợp về mạch SIPP tại đây https://dalmura.com.au/projects/Valve Info.html. Dựa trên nguyên lý của mạch SIPP, gần đây xuất hiện nhiều dạng mạch hiện đại khác như anti triode hay mạch schade feedback kết hợp SIPP. Em đưa thông tin để các bác từ từ ngâm cứu. Ngoài ra các bác có thể nghiên cứu thêm 1 mạch SIPP nữa đã được thương mại hóa tại hình cuối. Đây là dạng mạch khá đơn giản nên bác nào có sẵn ampli đèn PP có thể nghịch ngợm để trải nghiệm chất âm. Về cơ bản không mất gì chỉ tháo bớt đi 1 số linh kiện. Riêng em thì đã nghịch khá nhiều với mạch này, hiện tại có 2 amply dạng này là PL82 và G411 (tương đương 807) cho âm thanh hợp tai hơn nhiều so với các amply SE đầu tư gấp nhiều lần tiền.
Mạch này người Nga đã ráp trong Radio - quay đĩa PИГОНДА – 102 đầu thập niên những năm 1970, các lưu học sinh tại Nga thường mang về, một thời đã chinh phục người nghe bằng những âm thanh khá hay. Tuy nhiên không hiểu sao các OPT của máy này thường bị đứt cuộn dây sơ, có thể máy chạy với dòng Ia khá cao hoặc dây đồng của người nga thời đó có những nơi khiếm khuyết có lẫn tạp chất nên bị ăn mòn và đứt ngầm, biến áp không bị cháy mà chỉ bị đứt ngầm, họ dùng dây sơ 0,14mm. Thời ấy mình toàn phải cuốn lại OPT cho các dòng máy này. Cỡ dây, số vòng cho cả thứ và sơ mình vẫn nhớ như in cho đến tận bây giờ.
Nhìn sơ đồ này thấy số vòng sơ của ba từ điểm 4-5 nhiều hơn từ 3-2 (6-4 giống 6-3) bác cho hỏi thực tế bác tháo có vậy không? Thanks
Đơn giản thôi bác: Sơ: dây 0,14 => 2 x (1000 + 250 ) vòng, ( từ b+ cuốn 250 ra UL, rồi cuốn tiếp 1000 vòng ra A (plat), nửa bên kia cũng vậy, nhưng cuốn cùng chiều) Thứ: dây 0,64 => 50 vòng. (cái máy như đã nói ở trên họ dùng feet back, sử dụng luôn cuộn dây loa này qua trở 130 omh/2w về kthod cho nên cải thiện chất lượng âm thanh rất hay, không như một số schematic khác phải cuốn riêng cuộn feet back làm tăng vật liệu dây đồng và cửa sổ, công cuốn làm đội giá thành mà hiệu quả không hơn).
Thanks @BachDuong giới thiệu mạch hay! Các bạn cho Mình hỏi thêm chút: trong hình 2 (post-2354096) bóng 2 lấy từ lưới G2 của bóng 1 là lấy hồi tiếp cho tầng công suất (tín hiệu G2 đèn 1 ngược pha tín hiệu lưới G1 đèn 2. Tín hiệu đèn 2 vẫn lấy từ K đèn 1, K chung)?
Thấy Thấy mod trực tiếp dẫn dắt anh em. Cảm động quá. Mạch của mod đưa ra nó cũng như cái mạch khuếch đại vi sai của đèn bán dẫn có chút biến đổi có phải không mod
Bác nhìn kỹ sẽ nhận thấy 1 trong những điểm khác biệt cơ bản giữa mạch ở hình 2 so với mạch ở hình 1 và 3, chính là con tụ cathode bypass. Con tụ đó sẽ làm ngắn dòng AC ở K, vì thế ko có tín hiệu qua K của đèn 2. Lúc này tụ nối từ lưới 2 của đèn 1 về lưới 1 đèn 2 đóng vai trò là tụ AC coupling giữa 2 đèn.
Cám ơn mod đã đưa mạch này lên. Đang sẵn 6L6 cùng nhiều thứ có sẵn. Thử lọ mọ tý xem sao tuy nhiên cũng biến hóa tý để trải nghiệm.
Và rồi khi test thử thì người đặt hàng mang thứ nhạc rock kỳ quái gì đó test cùng loa Ar để xem 6L6 đó có cho ra chất tiếng mong muốn của họ không.... Kể cũng lạ họ phi range rover từ đâu đó bên Việt Hưng để nghe cả buổi 6L6 kêu. Để cùng mình thêm mắm thêm muối vài buổi liền...để cho nó kêu thật là mộc mạc...