@bác mùa thu vàng: Cám ơn bác. Tự nhiên em ước mình là CT UBND thành phố @Bác xì tin: Xin phép bác cho em lấy cái hình ô cửa sổ để làm tranh tường cho máy tính. E chán hình của Bin Ghết rồi.
"Chủ tịt" cũng chả làm được gì đâu bác ạ.Người ta chạy từ Bộ XD chạy đi cơ. Ngay như dỡ mấy cái quán ở mặt vườn thú Thủ Lệ mà phải vận đến Bí thư cũng chưa xong mà. Ngẫm thấy cụ Trần Quốc Vượng nói thật chí lý : khi nông dân quản lý đô thị...
Hôm nọ em chỉ có được một ngày ra đường phố Hà Nội, lại đúng vào dịp cái rét tràn ngập từng ngóc ngách. Lạnh, kéo cổ áo lên cùng cái mũ bảo hiểm nằng nặng trên đầu hòng đánh lừa cảm giác được che chở. Rồi em lại phải vào trong này, cái nắng vẫn thừa thãi, mặc dù đã thêm nhiều chút hanh hao rồi. Thơ thẩn, em lại nhớ đến những ngõ nhỏ trên những con phố chằng chịt mạng nhện của phố cổ. Hồi trước khi còn là sinh viên thi thoảng em có đạp xe qua khu này. Hình ảnh đọng lại là những chiếc ghế gỗ be bé bày trên vỉa hè ngõ Tạm Thương (mà sao tên lạ thật đấy, đã thương lại còn tạm). Ngồi đó toàn cánh đàn ông rảnh rỗi đủ lứa tuổi, thỉnh thoảng có vài cô xinh xinh ngồi ăn nem chua rán đựng trên những khay nhựa con con xanh đỏ, kèm theo đĩa dưa chuột và 1 vài chén trà nóng, bên dưới những số điện thoại KCBT in đầy trên tường. Em hay nhớ đến những cậu thanh niên chưa già nhưng nhìn rất lụ khụ, có cả ống điếu, nước chè đựng trong chai LaVie và bên cạnh là những cốc sữa đậu nành nóng. Lúc đấy chả ai còn thấy lạnh nữa. Em yêu Hà Nội ở quá nhiều thứ, khi trời lạnh, giàu hay nghèo đều vẫn có thể đi quanh Hồ Gươm, ngắm mặt nước lạnh màu kim bạc của nó. Rét run lên với từng cơn gió. Nhưng rồi nếu có tiền, thì vào 1 quán cà phê ấm cúng với 1 ly ca cao nóng, còn không, 1 bắp ngô nướng sẽ giải quyết cái lạnh nhanh chóng. Ở HN không có cái gió khủng khiếp như nơi em đang ở, đến mức không thể đi nổi xe máy, nhưng cảm giác nước mắt chảy giàn khi từng đợt gió ập vào mặt chắc các bác ai cũng đã trải qua (trừ những bác chạy xế hộp từ nhỏ). Ấy thế mà chả thấy ai kêu khí hậu nơi đây khắc nghiệt, có lẽ vì như 1 lần em đã nói, trời lạnh làm người ta gần nhau hơn... Chúc các bác một buổi tối ấm áp.
Đêm qua nằm nghe tiếng gió thổi ầm ào qua mái nhà, em tìm lại nghe bản "Đoản khúc thu Hà Nội" của cố NS TCS. Ở trong này trời chỉ se se nên cũng hợp, đặc biệt là câu "Hà Nội mùa thu Hà Nội gió. Xôn xao con đường xôn xao lá.." Nghe lòng mình cũng xôn xao theo từng đợt gió nơi này. Nhớ quán cà phê em hay ngồi trên Tô Hiệu cùng bác caithang, loving, crystal...tự nhiên thấy hay hay. Cà phê chả ngon, cô bán hàng chả xinh, ấy thế mà ngồi cũng chả muốn về. Con phố nửa phố nửa quê, mang đầy hình ảnh của những khu nhà tập thể bao cấp, thềm vào những quán ăn mới mở cho hợp thời. Mười mấy năm về trước em cũng đã từng lang thang ở khu này vài lần, quay lại vẫn nhận ra những kỷ niệm. Em còn nhớ từ khu Nghĩa Tân mà lần hồi ra phía sau của trường DHSPNN, hoặc sang bên khu Đồng Xa hồi đó vẫn còn những ao (rau muống) nhỏ nhỏ có đầy ốc. Chỉ cần 30 phút là đủ 1 nồi luộc. Thế mà nhanh thật cũng đã mười mấy năm trôi qua rồi. Có lần hiếm hoi em lên Metro, thấy mọi người mua sắm ghê quá làm mình cuốn theo. Tự nhiên về nhà mới tự hỏi sao lại cần lắm xà phòng, kem đánh răng, bàn chải...thế. Bây giờ người HN mua sắm kinh quá, lạm phát có khác. EM lại nói lan man quá rồi, tặng các bác lời bài hát thật đầy cảm xúc: Bởi vì mùa thu tôi ở lại Hà Nội mùa thu Hà Nội thu Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ Không bởi vì em hay vì em Hà Nội mùa thu Hà Nội gió Xôn xao con đường xôn xao lá Nhoà phố mong manh nhoè phố mưa Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa Bởi vì mùa thu tôi ở lại Hồng má môi em hồng sóng xa Vì một bàn tay không ngần ngại Tặng hết cho tôi một phố chờ Sẽ thêm một đời nhớ trăng Hà Nội Thu ơi!
Trong tất cả những câu truyện, đoản văn hay những bài hát bài thơ về Hà Nội, em thấy có rất nhiều đoạn nhắc đến thủ đô xưa trong những ngày tết. Như các bác đã có lần nhắc đến, tết ở đâu cũng vậy, cũng phải có tiếng pháo, thế nhưng bây giờ thì mất rồi. Thôi thì các bác cùng em xem lại những xác pháo hồng xưa còn sót lại trong ký ức của mỗi chúng ta. Chiều nay bác caithang nhắc đến kẹt xe, đến bụi bặm của thủ đô Hà Nội, lúc đó em không muốn cười nữa. Lúc nào cũng (đành phải) hy vọng rằng thủ đô rồi sau này cũng phải được chỉnh trang cho tử tế và xứng tầm chứ. Tặng các bác bức ảnh xưa cũ:
Ngăm bức ảnh pháo tết của bác Tai_trau mà em thấy nao cả lòng, em ko sinh ra và lớn lên tai HN nên nhớ đến cái không khí đượm mùi khói pháo, mùi hương và mùi mâm cơm cúng đặc trưng chiều 30 tết ở Thành Nam quê em. Đến bao giờ trẻ con mới lại có được cái không khí của Tết ngày xưa các bác nhỉ, thiệt thòi cho các cháu quá! Em spam tí, các bác HN đừng giận em nhé nhưng em nhớ pháo Tết quá
Bác ơi em cũng không sinh ra và cũng không lớn lên ở HN, mà em ở Phú Thọ cơ. Nhưng HN đâu phải của riêng ai bác nhỉ. Em cũng đang nhớ pháo Tết, càng già em lại càng thấy mình trẻ con. Ước gì em không phải tính toán đến lương tháng tết, đến mua sắm, đến trượt giá mà chỉ cần được ngồi đếm số băng pháo, pháo đùng mình có và đốt trong những ngày tết. Ước gì em lại được cùng bạn bè ngồi nhặt nhạnh những quả pháo xịt trong đám mây nhỏ thơm mùi thuốc pháo vừa đốt. Quả nào còn 1 đoạn ngòi, mang đi đốt tiếp, nếu không lấy thuốc ra để cuốn quả khác. Tự nhiên em thấy mùi thuốc pháo thơm phảng phất đâu đây....
@ bác xì tin: Hình bác post ở phố nào nhìn quen thế. Mấy cây bàng trơ lá làm em có cảm giác như ở Khâm Thiên chỗ gần Ô Chớ Dừa ý. Nhìn đặc quánh không khí ngày 1-2 Tết bác nhỉ, đường vắng, mưa ướt, 1 cụ già mặc áo dài tranh thủ đến thăm bà hàng xóm.... Em thích bức ảnh quá.
Nếu em k nhầm thì đoạn phố trong bức ảnh là phố Khâm thiên, chỗ gần lối rẽ vào ngõ Văn chương Chắc cũng phải chụp tầm những năm 80s, mấy cái vòng sắt gắn xuống vỉa hè để giữ xe đạp lâu lắm rồi k nhìn lại
Mấy cái biển hiệu may đó đích thì là Khâm Thiên rồi. Còn cái ảnh Pháo tết của Dương Minh Long nữa, đẹp lắm nhưng em tìm chưa ra.
Cái này khoảng cuối 80, đầu 90 bác à, ngõ này hình như là ngõ Trung Tiền, nhà dạy cắt may hình như h vần còn tuyển sinh. Những năm này nhà em ở ngõ Thổ Quan cạnh rạp Dân Chủ. Nhìn mấy cái vòng sắt để xe đạp lại nhớ ngày xưa mấy lần vấp phải vì mắt để đi đâu... Thời đấy còn đi khắp xóm để chúc tết nhau, h khác nhiều rồi.
Tặng các bác bài thơ: Tết nhớ về Hà nội (thơ Lê Hải Anh) Bao năm rồi đón Tết xa Hà Nội Ở xứ người lạnh trắng những mùa đông Chiều ba mươi ngồi buồn và tự hỏi "Hà Nội ơi, có còn nhớ ta không?" Ta nhớ lắm những chiều 30 Tết Gió đìu hiu mưa rắc nhẹ trên hồn Hà nội phố như đi vào hoài niệm Mỗi người con xa xứ sẽ chẳng quên Mẹ yêu ơi, chiều nay 30 Tết Ở quê nhà mẹ có nhớ con không? Có mong ngóng một mùa xuân nào đó Có con về, ấm áp những chờ mong Ta nhớ lắm hoa đào vương trên tóc Cô hàng hoa trong chợ Tết cuối năm, Những khi ta cùng bạn bè dạo phố Đêm Giao thừa hái lộc ở Hồ Gươm Hà nội ơi, biết bao giờ trở lại Những chiều xuân qua Quảng Bá, Nhật Tân Với đào, quất và muôn hoa khoe sắc Với tiếng còi tàu hối hả gọi Xuân. Nhớ da diết mỗi khi mùa xuân đến Nước mắt lăn dài trên má bạn tôi Đêm Giao thừa đón Xuân nơi đất khách Mà trong lòng thầm gọi "Hà Nội ơi!". Hà Nội ơi, biết bao giờ trở lại Biết bao giờ tay được nắm tay ai Đi giữa đêm xuân nồng nàn cỏ dại Những ngón non mềm lộc biếc mùa xuân Ta thầm nhủ và lòng ta tự bảo "Người thương ta vẫn mãi ngóng chờ ta Mẹ cũng vậy, vẫn chờ ta trở lại Hà Nội yêu, vẫn ngóng đợi ta về!".
Chiều nay em chợt gặp một người bạn già, cũng là đồng nghiệp cũ của em nay đã nghỉ hưu. Ông nói về quyết định sẽ sống ở Hà Nội chứ không về Mỹ nữa, lý do đơn giản là nơi này rất đỗi bình yên với ông. Một lần nữa, em lại nhận ra mình đã đi xa HN biết bao nhiêu lần. Thậm chí đến cả trong những lần ngập ngừng trên sân ga, em còn nhớ cảm giác ghét tiếng còi tàu, ghét tiếng gọi vào phòng chờ vì em biết mỗi lần em xa nơi này, sẽ lại là những lần em mong chờ được quay lại. Cái ngày lần đầu tiên em được đi máy bay, em đã cố gắng đặt chỗ để có thể quay về lúc thành phố đã lên đèn. Cảm giác lúc ấy thật kỳ lạ, bên kia sông Hồng là màu đen thẫm, còn thành phố nhìn từ trên cao thật nhỏ bé và bình yên với những hàng đèn ấm áp. Còn bây giờ, đi lại biết bao lần nhưng cảm giác "về nhà" vẫn thật đặc biệt đối với em. Gần nhà em chỗ cầu vượt, có cái gara ô tô đầy những chiếc siêu sang đắt tiền, lần nào về Hn em cũng đi qua đó và ngắm nghía. Nhận ra mình nghèo tiền bạc biết bao nhiêu, nhận ra người HN bây giờ cũng thích khoe mình biết bao nhiêu, và nhận ra còn những người khổ hơn mình biết bao nhiêu... Nếu nói về nỗi nhớ HN, chắc ai cũng nghĩ ngay đến "Nhớ về Hn" của bác Hòang Hiệp, trong đó em thich nhất đoạn: ""...Nhớ những cơn mưa dài cuối đông Áo chăn chưa ấm thân mình Và nhớ lúc bom rơi thời chiến tranh Đất rung ngói tan gạch nát Em vẫn đạp xe ra phố Anh vẫn tìm âm thanh mới ..." vì qua đó em nhớ đến những hình ảnh trong những bộ phim tư liệu, ngay sau tiếng còi báo yên, mọi người lại lục tục đội nắp hầm ra đường, thong thả đạp xe và lắng nghe tiếng loa truyền thanh. Chắc trên thế giới này sẽ không nơi nào có được hình ảnh những mâm pháo chờ giặc đặt trên nóc nhà như ở nơi đây. Quay lại bây giờ, Hà Nội sắp vào tết rồi, dù cuộc sống còn bộn bề lo lắng đủ thứ, nhưng những người đi xa như em chắc vẫn mong chờ dịp này. Để được đi sắm tết, để được thấy người Hà Nội đợi tết, để được gặp những người thân yêu, để được ngồi với bạn bè của mình.... Chúc các bác 1 ngày tốt lành với bài hát nổi tiếng này : http://www.cakhucvietnam.com/Song10438.aspx
Em vẫn nhớ hồi còn bé tí, vào những năm 80, mỗi khi Tết đến, mẹ em lại ngồi chia nhỏ phần quà Tết của Bố mang ở cơ quan về. Một gói mỳ chính được mở ra và chia làm 3 phần, một phần cho bà nội, một phần cho bà ngoại và phần còn lại mẹ để nấu cơm cho nhà...mẹ còn nói: phải khéo thì mới đủ dùng cho cả năm. Ngày ấy, hình như nhà ai cũng nghèo, nhưng trong khu tập thể, nhà ai có gì ăn 'tươi' đều chia cho các nhà hàng xóm,mỗi người một ít, nghèo thật đấy, thiếu thốn thật đấy nhưng mọi người sống với nhau rất tình cảm.... Bánh trưng thì cũng làm một cái nồi to rồi luộc cho các gia đình luôn, mỗi người góp một tí, có nhà nghèo quá không có gì góp thì góp sức người ngồi trông nồi bánh qua cả đêm...Bọn trẻ con chúng em thì thích nhất là được vùi củ khoai vào đống củi đang cháy, rồi lôi ra ăn mặt mũi tèm nhem... Tết sắp đến rồi, nhưng là Tết của năm 2008, các Bác có những kỷ niệm về những cái Tết nghèo ngày xưa thì chia xẻ cho nó vui.
Vừa rồi Xác-Xơ thoáng nghe trên TV bài hát "Người Hà Nội", oai hùng và cổ kính vô cùng! :-D. XX vừa đi HN về, vẫn còn nhớ các quán "Trà Nóng" mà miền Nam ít có, một không khí đặc trưng, co ro, thưởng thức... Nhớ các con đường quanh co ven hồ..., nhớ ...em gái HN...hehe :-D :-D :-D
Quán trà nóng ven đường như Bác nói đúng là một nét rất đặc trưng của người Hà nội. Người ta đợi chờ nhau cũng ra đây ngồi, các ông ăn bữa sáng xong cũng ra đây ngồi, mùa đông đang đi trên đường rét quá cũng dừng chân ghé vào, dần dần nó trở nên như một thói quen thường nhật. Một chén trà, một thanh kẹo lạc rồi làm một hơi...điếu cày...người ta có thể ngồi cả buổi tối bàn bạc "chuyện nhân tình thế thái"... Tết của người Hà nội ngày xưa cũng khác bây giờ rất nhiều. Sáng mùng 1 bao giờ người ta cũng phải đến thăm ông bà hai bên nội ngoại. Các con đưa các cháu về tập trung rồi lần lượt các cô dì chú bác mừng tuổi đám con trẻ. Trẻ con thì được mặc những bộ quần áo mới ( mới từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài) chạy lăng xăng để chia nhau từng quả pháo. Ngày xưa chỉ mối khi Tết đến là được mặc áo mới thôi.... Em vẫn còn nhớ nhất cảm giác các nhà đốt pháo mừng Giao thừa. Nhà nào cũng muốn đốt sau cùng để không trùng với các nhà khác. Có những năm, đồng hồ đã điểm 12 giờ, nhưng bố em chỉ chĩa cái que ra cửa nhà, đầu que có buộc chùm pháo, mà vẫn chưa thấy bố châm lửa, chẳng hiểu sao...mãi đến 12h15 mới thấy bố đốt pháo, sau đó thì các nhà khác trong xóm mới bắt đầu có tiếng pháo râm ran, sau đó mới biết, hóa ra nhà nào cũng muốn đợi cho nhà kia đốt trước..thế là tất cả được trận cười nghiêng ngả... Chuẩn bị Tết thì là cả một vấn đề. Rửa lá rong phải mất cả buổi. Để có được ít bánh quy, người ta phải để dành hai quả trứng, rồi cố gắng đi mua đươc một ít bột mỳ và tí đường, mang tất cả đến lò bánh thuê người ta nướng. Có bánh mang về rồi, bọn trẻ con chúng em có thèm rỏ rãi thì mẹ cũng bảo: "để đến Têt rồi mẹ cho ăn nhé"...nghĩ đến 1ại thấy nhớ biết bao.....
Bác tai_trau có vẻ rất nhiều hoài niệm, mà hoài niệm là lúc người ta đã về già, đặng nghĩ lại một thời đã qua, em thấy bác tuổi đâu đã già lắm lắm nhỉ, mà tâm sự trong topic này thì đầy ắp. Mà bác có nói là:"...chỗ cầu vượt, có cái gara ô tô đầy những chiếc siêu sang đắt tiền, lần nào về Hn em cũng đi qua đó và ngắm nghía. Nhận ra mình nghèo tiền bạc biết bao nhiêu, nhận ra người HN bây giờ cũng thích khoe mình biết bao nhiêu, và nhận ra còn những người khổ hơn mình biết bao nhiêu... ", bác nhận ra thế thì rõ rồi, em cũng thấy em nghèo hơn, khổ hơn bác nhiều... Em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, nhưng cảm xúc chưa bao giờ mãnh liệt đến thế, cũng chưa bao giờ để ý và cũng có thể nói là ko thể yêu HN bằng bác ấy chứ, chắc chắn có điều gì đã đang ẩn sau những tâm sự đó, xin lỗi bác nếu là quá thọc mạch. Em nhớ cách đây khoảng 3 năm, có lần 1 chị bán rao bánh mỳ rong đi qua ngõ nhà em. Lúc này cũng vào thời điểm ráp tết, bà hàng xóm nhà em gọi dựt lại: "Mỳ ơi!"..., bà hỏi chị: "Năm nay liệu có ăn tết to ko?" ...Chị tâm sự: "Cháu lên đây năm nay cũng dành dụm để mua được cái tivi cho bọn trẻ con đấy bá ạ! Không có cái Hà Nội này thì chết, bọn cháu làm gì ra được, ở nhà vụ mùa chẳng được bao nhiêu..." . Em lắng nghe cuộc trao đổi của họ mà thấy thương cho những người quê lên tỉnh kiếm sống. Họ lên thành phố làm đủ mọi nghề nặng nhọc hết bán hàng rong, bốc vác, xây dựng, giúp việc... , đơn giản chỉ là để kiếm tiền cho con cái được ăn học bằng bạn bằng bè. Nhưng có vẻ hình ảnh quá trái ngược như ở thành phố, hình như có những cái quá dư thừa mà nếu được san sẻ chút ít chắc những người ở nông thôn đỡ khổ. Vẫn biết thành phố nào cũng thế, mà muốn thành phố phát triển mạnh thì sự đồng đều về kinh tế, về học thức càng khó, HN cũng không thể thoát ra khỏi quy luật đó. Sự cách biệt càng xa giữa nông thôn và thành thị càng rõ rệt. Sự pha trộn hỗn tạp rất nhiều loại văn hóa, của Đông - Tây - Kim cổ cũng đã làm nét đẹp của HN xưa cũ đã bị lu mờ, em nói vậy ko có nghĩa rằng Thủ đô Hà Nội của chúng ta bây giờ ko đẹp, mà nét đẹp ấy đã chuyển biến sáng nét đẹp mới, hiện đại. Vài lời cho hành trình 1.000 ngày hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Cám ơn bác "mưa theo cơn" đã chia sẻ. Thực ra bác nhận xét cũng đúng vì em thì đúng là con gà già rồi chứ còn trẻ gì nữa. Còn những hoài niệm thì ai cũng có, nhất là 1 người ở quê ra Hà Nội như em. như em đã nói vài lần, thựuc ra cũng không có gì ẩn ý nhiều, em chỉ chép lại những ký ức của mình, trải lòng như 1 đứa con đi xa nhớ về quê hương thứ 2 của mình. Hơn nữa, có rất nhiều công việc bác nặng nhọc bác kể ra ở trên thì em cũng đã kinh qua chút ít (em chưa đi bán bánh mì nhưng bán kem thì có rồi , nên dấu ấn về những năm tháng mình vất vả khi cả nước vất vả làm em không quên được. HN đã sắp 1,000 tuổi, đồng hồ đã chính thức đếm ngược, và em cũng đã sinh sống ở thủ đô được 15 năm, cũng không dài và không ngắn nhưng cảm giác nhiều khi bỡ ngỡ vẫn còn bác ạ. Đã nhiều lần em đã thực sựu cảm thấy tự hào khi những ông sếp em (người nước ngoài) đều kính trọng chiều dài lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của thủ đô, vì trong thực tế chỉ có 1 số rất ít thủ đô trên thế giới có được. Nếu bác để ý, thì hầu như em không nhắc nhiều đến những chuyện không hay ở thủ đô, ví như giao thông, quy hoạch kiến trúc, tệ nạn xã hội, sự vô trách nhiệm của lớp trẻ hiện nay đối với bản thân...cũng chỉ vì em quá yêu quý thành phố này. Không nỡ nhắc đến vì bản thân cũng không muốn thêm nặng lòng. Em chán phải đọc những tin như là thêm 1 đại gia mua xe siêu sang, hay hàng ngàn người xếp hàng tranh nhau mua nhà...vì nó chẳng nói lên điều gì ngoài nhắc cho em thấy 1 điều rằng bây giờ nếu "ta không là gì thì sẽ không là gì hết...". Buổi tối, em hay nấn ná trước TV để xem thời tiết, cuối cùng sẽ là về HN, em muốn biết nơi đó có gió mùa đông bắc hay không, có lạnh lắm không, có hanh hao lắm không...có lẽ lúc đó trong em sẽ văng vẳng "ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, 1 HN ngây ngất nắng, 1 HN run run heo may..." Xin tặng các bác "Mơ về nơi xa lắm" của NS Phú Quang, thơ Thái Thăng Long: http://www.vnmusic.com.vn/music/index.p ... ac&id=1404
Xin phép bác em lại xin chia sẻ vài điều cùng bác, nếu nói về nỗi khổ, nỗi vất vả thì nói đến cả trăm năm chẳng hết được, vì đơn giản cuộc đời là bể khổ, hết đợt sóng này sẽ lại có đợt sóng khác. Đâu phải ai cũng sẽ đi hết được 1 quãng đường dài cả trăm năm. Em lại xin phép bác lần nữa, bác có nói: "...nhất là 1 người ở quê ra Hà Nội như em...", sao phải nhấn mạnh là 1 người quê ra HN? Em chắc với bác 1 điều trong 4r này có rất nhiều người cũng ở ngoại tỉnh như bác. Bác nói thế các bác ấy lại trạnh lòng. Và điều này chẳng nói lên điều gì khi bác là người yêu HN vì bác là người nhà quê cả. Em ví như đất nước đạt được nhiều thành tựu như nước Mỹ, đâu phải toàn người Mỹ làm được lên điều đó. Vậy nên, HN cũng ko thể đẹp và cũng ko thể là niềm tự hào đến thế của VN nếu ko có những người như các bác. Nói vậy thì bác đã tự ti quá chăng? Bây giờ, thời điểm này, HN đang quá lạnh bác ạh, em đang ước được sống ở nơi có nhiều nắng như trong đó. Cũng đã có nhiều người trong nam ra ngoài bắc nhận xét thời tiết ở đây khắc nghiệt (nắng thì nắng chói chang, mưa thì mưa xối xả, rét thì rét buốt đến tận xương, hanh thì khô đến nứt da nứt thịt). Nhưng em nghĩ như thế mới có nhiều cái để mà nhớ, mà thương đúng ko bác. Xin tặng bác bài "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi http://www.vnmusic.com.vn/music/index.p ... hac&id=527
Hà nội hai ngày hôm nay lạnh buốt đến tận xương. Chỉ còn 20 ngày nữa là cả nước đón chào một Mùa Xuân mới, Xuân Mậu Tý. Em vẫn đang nghe ngóng không biết Tết năm nay thời tiết như thế nào. Xuân mà không có mưa thì thấy thiếu thiếu, Tết mà không lạnh thì thấy "không có cảm giác là Tết" và lo ngay ngáy bánh trưng sẽ bị...thiu, nhưng nếu lạnh quá thì e mọi người sẽ ngại không ra đường mất.... Em vẫn nhớ ngày xưa, hồi mới chỉ 5,7 tuổi, mỗi sáng Mùng 1, ra đường thì thấy đường xá cứ vắng teo mà không biết vì sao. Hỏi người lớn thì được giải thích là "mùng 1 mọi người không dám đến nhà nhau, sợ vô tình "xông đất" thì mang tiếng chết" nghĩ lại câu trả lời thấy...ngộ ghê! Nhưng người đầu tiên bước chân vào nhà khi Tết đến đã trở thành một nét văn hóa "tâm linh" rất lâu đời của người Việt và chúng ta vẫn và sẽ cứ tin tưởng vào niềm tin ấy. Rồi nữa, một nhành lộc đầu năm cũng là một biểu tượng cho sư no ấm, an khang cho cả một năm. ...Vào đầu những năm 80, mỗi lần Tết đến là em lại mong ngóng ngày được về quê thăm Bà Nội. Ngày ấy với em, về quê là một cái gì đó thật ...thú vị...được ăn bánh trưng ở quê thấy ngon hơn ( có lẽ vì cho muối nhiều hơn nên thấy đậm đậm và bánh mỏng hơn nên lấy thìa xắn dễ hơn...), được cùng Bố câu cá ở ao nhà, rồi được cùng Bố đi sang chúc Tết các nhà bà con...những lúc đó em rất thích cảm giác được mọi người xúm xít xung quanh hỏi thăm mặc dù tờ tiền các bác mừng tuổi thì...cũ kỹ và...xấu xí nhưng em vấn thích hơn hẳn cảm giác đến nhà các Bác mình ở trên phố Bà Triệu hay Thợ Nhuộm với những tờ tiền mới tinh nhưng các Bác chẳng bao giở nói chuyện gì với mình cả... Thế mới biết ở đâu thì cũng đều có cái hay và không hay, nhưng trên tất cả...tình cảm và sự quan tâm chia xẻ, yêu thương lẫn nhau vẫn là quan trọng nhất. Nó là những thứ tồn tại song song với cuộc sống nghèo khổ ngày xưa, vật lộn để tồn tại trong cuộc sống hiện đại ngày nay và chắc sẽ phải "chật vật" để sinh tồn và phát triển trong những ngày kế tiếp...