Thế giới quan và những chia sẻ về Nhiếp ảnh

Discussion in 'Hỏi đáp, kinh nghiệm' started by nguyenstyle, 22/11/11.

  1. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Sẽ là những bài viết, cảm nhận, chia sẻ về câu chuyện Nhiếp ảnh.
    Là những bài viết thú vị mà các bạn đọc được đâu đó hoặc giả là cảm nhận của mỗi cá nhân cùng sở thích.
    Mỗi người đều có cái cá nhân riêng biệt, điều đó là tối thượng với bạn. Nó tạo nên bản sắc của mỗi cá nhân và chúng ta tôn trọng điều đó.
    Có thể 1 vấn đề nào đó không làm bạn hứng thú nhưng có lẽ nó lại cho người bên cạnh bạn sáng suốt hơn.
    Hãy mở lòng để chia sẻ và cảm nhận.
     
    Tags:
  2. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    1 bài viết của Arno Rafael Minkkinen được các bạn trên "cinvea.com" biên soạn sang tiếng Việt. Đối với cá nhân em, nó thật thú vị.
    Xin chia sẻ cùng các bác.



    Ở YÊN TRÊN XE BUÝT. Lý thuyết trạm xe buýt Helsinki:
    Tìm kiếm cái nhìn riêng của bạn trong nhiếp ảnh



    [​IMG]
    ©Arno Rafael Minkkinen, 2006

    Chúng ta đang ở giữa dòng hải lưu thay đổi của các phương tiện nhiếp ảnh - một đợt sóng thủy triều có lẽ chính xác hơn. Trong khi ống kính máy ảnh vẫn được gắn chắc chắn vào thân máy, thì bản thân chúng lại đang có sự bùng nổ dữ dội. Các bộ phận bên trong, nghĩa là - nội tạng của chiếc máy ảnh kể từ thời của Talbot (Henry Fox Talbot - người đầu tiên chế chiếc máy ảnh hộp thương mại) (khi mà những chiếc máy ảnh được vợ ông ta gọi là “Bẫy chuột” vì bà luôn dẫm phải chúng) đã được thay đổi nhanh hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng.

    Chiếc máy ảnh số, máy ảnh D-SLR, gần như chỉ sau một đêm đã trở thành một công cụ mới cho những người chụp ảnh nhà nghề và các nghệ sĩ. Khắp mọi nơi. Tất cả chúng ta bây giờ ai cũng có. Nhưng các bức ảnh thì không thay đổi. Cũng như các quy tắc cơ bản để tạo ra những bức ảnh đấy. Nhu cầu chụp ảnh đã đóng một dấu ấn trong cuộc sống của chúng ta, những bức ảnh đã mang lại ý nghĩa cho kinh nghiệm sống, chúng đã lưu sâu vào tiềm thức, như cách mà âm nhạc đã luôn làm, chưa từng bao giờ nhiếp ảnh có vai trò như vậy, sự ham muốn với nghệ thuật hình ảnh sử dụng ống kính đã đứng cao hơn hầu hết các phương tiện giao tiếp khác, một điều không thể bàn cãi.

    Trong thế giới nghệ thuật, nhiếp ảnh đã tiến tới như một loại phương tiện nghệ thuật quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta.

    Roberta Smith, cây viết cho tờ Thời báo New York vài năm trước, đã nhìn nhận theo cách này (và tôi trích dẫn sau đây) “Trong vòng 30 năm qua không phương tiện nào đã có hiệu ứng sâu sắc lên nghệ thuật như phương tiện nhiếp ảnh”. Điều này, xin phép được nhắc nhở bạn, được nói bởi một trong những nhà phê bình lỗi lạc nhất về nghệ thuật điêu khắc của nước Mỹ!

    Có một trạm dừng xe buýt ở Helsinki mà tôi muốn giới thiệu với các bạn, một trạm dừng xe nằm ngay cạnh ga xe lửa Eliel Saarinen trứ danh. Được vây quanh bởi các viên ngọc kiến trúc phong cách Jugenstil (phong cách Tân nghệ thuật, new art, art noveau -ND) như Nhà hát Quốc gia và Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, trạm dừng xe buýt tạo thành một tấm phông hoàn hảo cho những tay máy trang bị các máy ảnh D-SLR hay các máy ảnh Leica xưa cũ và mong mỏi trở thành nhiếp ảnh gia của Magnum.

    Có thể bạn cũng sẽ thấy mình cũng ở đó vào một lúc nào đó.

    Nhưng hãy trở lại với trạm dừng xe buýt và với điều gì đã làm cho nó trở nên nổi tiếng, ít nhất là nổi tiếng với các sinh viên mà tôi dạy tại UMass Lowell, trường Đại học Nghệ thuật và Tạo hình Helsinki, trường Cao đẳng Nghệ thuật Appliqués ở Lausanne, hay rất nhiều cuộc hội thảo mà tôi đã giảng dạy ở Tuscany, Maine and Santa Fe, đó là phép ẩn dụ tôi đưa ra đối với các sinh viên và các nhiếp ảnh gia nhà nghề những người kiếm tìm sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời nhiếp ảnh dài đằng đẵng. Phép ẩn dụ tôi đưa ra cho các nghệ sĩ trẻ những người đang tìm kiếm cái nhìn riêng của chính họ vào một ngày nào đó.

    Trạm dừng xe buýt Helsinki: hãy để tôi miêu tả điều gì xảy ra ở đó.

    Ở đó có khoảng hai tá điểm chờ xe nằm cùng trên một diện tích hình vuông ngay tại trung tâm của thành phố. Trên đầu của mỗi chỗ chờ xe có một tấm biển ghi số hiệu của các chuyến xe buýt đi từ đấy. Các số hiệu xe buýt có thể được đọc như sau: tuyến 21, 71, 58, 33, và 19.

    Mỗi chiếc xe buýt đều đi ra khỏi thành phố trên cùng một tuyến ít nhất là 1 kilomet và dừng ở các nhà chờ xe buýt dọc đường đi, nơi mà các số hiệu tuyến xe lại lặp lại: tuyến 21, 71, 58, 33, and 19.

    Giả sử rằng, lại nói theo phép ẩn dụ, mỗi điểm dừng xe buýt tượng trưng cho một năm trong cuộc đời của nhiếp ảnh gia, nghĩa rằng trạm dừng xe buýt thứ ba sẽ đại diện cho ba năm trời hoạt động nhiếp ảnh.

    Ok, cứ cho là bạn đã làm việc ba năm trời để chụp những bức ảnh nude bằng phương pháp in ảnh platin. Hãy gọi điều đó là tuyến xe buýt thứ #21.

    Bạn mang những thành quả công việc của ba năm chụp ảnh nude tới Bảo tàng nghệ thuật Boston và người giám tuyển hỏi bạn để thử xem bạn có thấy quen thuộc với những bức ảnh chụp nude của Irving Penn. Chuyến xe buýt của ông ý, cái số 71, đã chạy trên cùng tuyến. Hoặc bạn mang chúng tới một gallery ở Paris và được nhắc rằng hãy xem lại những bức ảnh của Bill Brandt, chuyến xe số 58, và cứ như vậy.

    Choáng váng, bạn nhận ra rằng những gì bạn đã làm trong suốt ba năm qua đã được những người khác làm cả rồi.

    Do vậy bạn nhảy xuống khỏi xe buýt, bắt lấy một cái taxi (bởi vì cuộc đời thật ngắn ngủi) và chạy thẳng về trạm dừng xe buýt ban đầu để kiếm điểm chờ xe khác.

    Lần này bạn sẽ chụp những bức ảnh mầu khổ 8x10, cảnh mọi người đang nằm dài trên bãi biển từ một chiếc cần cẩu.

    Bạn mất ba năm trời cho việc đó và tiêu tốn 3 nghìn đô và chụp một series ảnh để rồi bạn nhận cùng một lời nhận xét: chẳng nhẽ anh chưa bao giờ xem ảnh của Richard Misrach? Hoặc, nếu các bức ảnh của bạn là những bức ảnh đen trắng mờ ảo chụp bằng máy 8x10 chụp cảnh những cây cọ nghiêng ngả trước biển, chẳng nhẽ anh chưa từng xem ảnh của Sally Mann?

    Lại một lần nữa, bạn rời xe buýt, bắt cái taxi, chạy ngược lại và tìm điểm chờ xe mới. Điều này xảy ra suốt cuộc đời sáng tạo của bạn, luôn luôn tìm kiếm các phong cách mới, và luôn bị so sánh với người khác.

    Vậy phải làm gì?

    Rất đơn giản. Hãy ở trên xe. Ở yên trên cái xe buýt khốn kiếp ấy.

    Tại sao, vì nếu bạn làm vậy, cùng với thời gian bạn sẽ bắt đầu thấy sự khác biệt.

    Các chuyến xe buýt rời khỏi Helsinki trên cùng một tuyến nhưng chỉ trong chốc lát, có lẽ khoảng một hoặc hai kilomet. Sau đấy chúng bắt đầu tách ra, mỗi tuyến xe hướng về một điểm đến riêng biệt. Xe số 33 đột nhiên hướng về phía bắc, trong khi xe số 19 hướng về phía tây nam.

    Trong chốc lát có thể tuyến số 21 và 71 đi trùng tuyến với nhau, nhưng rất nhanh chúng tách rời ra, tuyến của Irving Penn hướng về đâu đó.

    Sự phân tách đó làm nên tất cả sự khác biệt, thời điểm mà bạn nhận thấy sự khác biệt giữa những bức ảnh của bạn với những bức ảnh của người bạn ngưỡng mộ (nói cho cùng đó là lý do tại sao bạn chọn điểm chờ xe đó), đó là lúc tìm kiếm sự đột phá.

    Đột nhiên công việc của bạn bắt đầu được chú ý. Và giờ bạn chụp ảnh theo ý tưởng của bạn nhiều hơn, tạo ra sự khác biệt lớn hơn giữa những bức ảnh của bạn và những bức ảnh mà bạn bị ảnh hưởng.

    Cái nhìn của bạn bắt đầu thăng hoa.

    Và như năm tháng chồng chất, các bức ảnh của bạn chất chồng thành đống, sẽ không lâu những lời phê bình sẽ bị thu hút, không chỉ bởi những gì đã làm nên khác biệt giữa công việc của bạn và của Sally Mann hay của Ralph Gibson, mà còn bởi vì những gì bạn đã làm khi mới bắt đầu!

    Thực sự đến đây là bạn đã hoàn thành toàn bộ tuyến xe. Những bức ảnh xưa đã được chụp 20 năm trước đột nhiên được đánh giá lại, và bởi vì giá trị thực sự của nó, bắt đầu được bán với một giá cao ngất.

    Ở điểm cuối của con đường - nơi chuyến xe buýt dừng để nghỉ ngơi và người tài xế có thể ra ngoài làm một điếu thuốc hoặc tốt hơn là làm một cốc cafe - đó là khi toàn bộ công việc đã được hoàn thành. Đó có thể là điểm cuối của sự nghiệp của bạn với tư cách là nghệ sĩ hoặc là điểm cuối ủa cuộc đời của bạn, nhưng toàn bộ thành quả công việc của bạn giờ đây nằm đó trước bạn, những bức ảnh thử nghiệm ban đầu (được gọi thế), những bức đột phá, đỉnh cao và vực thẳm, kiệt tác lớn, tất cả đều mang dấn ấn bởi phong cách duy nhất của bạn.

    Tại sao, bởi vì bạn đã ở yên trên xe buýt.

    Khi tôi bắt đầu chụp ảnh tôi luôn bị thu hút bởi những công việc của Ralph Gibson, Duane Michals, và Jerry Uelsmann. Tôi đã đứng ở điểm chờ xe của họ. Mỗi tấm ảnh nói với tôi rằng ta có thể sử dụng đầu óc để chụp ảnh. Là một copywriter phụ trách khách hàng là Minolta (trước khi tôi trở thành nhiếp ảnh gia) tôi đã từng viết : “Ý tưởng nảy ra trong tâm trí bạn cũng có thể sinh ra bằng một chiếc camera” tôi đã lấy câu khẩu hiệu đó và biến nó thành khẩu hiệu của mình. Không phải là những tấm ảnh phơi sáng nhiều lần kiểu Uelsmann hoặc một chuỗi ảnh kiểu Michals. Mà là những bức ảnh của Ralph Gibson đã ám ảnh tôi.

    [​IMG]
    Ảnh Ralph Gibson

    Tôi yêu thích một bức ảnh trong đấy điểm đặc biệt là đôi bàn tay với lên mũi thuyền mà ông ý chụp năm 1970. Tôi đã chụp bức ảnh chân dung tôi với một bàn chân thò ra ngoài mũi một con thuyền Phần Lan năm 1976. Tôi khá chắc là bức ảnh của ông đã gây cảm hứng cho tôi mặc dù tôi đã không hề nghĩ chút nào về điều đó khi thực hiện bức ảnh của mình.

    Vào năm 1989, có một cuộc triển lãm tranh ở Antibes với tên gọi Bộ Ba Bậc Thầy Nhiếp Ảnh Siêu Thực với Eikoh Hosoe, bậc thầy nhiếp ảnh người Nhật, Ralph Gibson, và khiêm nhường mà nói, thêm tôi nữa. Tại bữa tiệc khai mạc triển lãm, tôi đã nói với Ralph về sự rung động của tôi với ảnh của ông khi tôi bắt đầu chụp ảnh. Ông ý đã gật đầu và nói, “Khi tôi lần đầu thấy ảnh của anh (lúc đó vào năm 1975 hoặc khoảng đấy), tôi đã cảm thấy có gì đó rất quen thuộc.” Nhưng sau đó ông đã thêm vào rất nhanh: “Nhưng anh biết không, anh đã không mất nhiều thời gian để tìm lối đi riêng.”

    Tôi đã tìm thấy sự khác biệt, Ralph tiếp tục với việc chụp ảnh phụ nữ, bức tường, màu sắc và ánh sáng siêu thực. Tôi tiếp tục tuyến xe buýt của tôi với ít ám ảnh hơn và nhiều quả quyết hơn.

    Vậy đấy, cơ hội tốt nhất của chúng ta để mọi người nghe thấy tiếng nói và nhìn thấy cái nhìn của chúng ta là tìm kiếm những nét đặc trưng quen thuộc trong ảnh để người xem có thể dễ dàng nhận ra, do đó làm cho người xem tò mò. Điều này có thể xảy ra sớm, như thầy giáo của tôi Harry Callahan chỉ ra rằng: anh sẽ không bao giờ làm tốt hơn những bức ảnh quan trọng đầu tiên của anh. Và chúng sẽ đến sớm thôi.

    [​IMG]
    ©Arno Rafael Minkkinen, 2006

    Tại một cuộc đấu giá ở sàn đấu giá Sotheby ở London vài năm trước, một tác phẩm của tôi được đưa ra rao bán. Nó phơi bày khuôn mặt nhìn ngược của tôi với cái miệng há to trên một cầu tàu ở Narragansett, đảo Rhode. Khi người đấu giá nêu tên tác phẩm, hiển nhiên là anh ta hoặc cô ta đã không miêu tả nó như một bài tập của sinh viên, mà thực sự, nó chính là vậy. Tôi đã chụp nó khi tham dự lớp học của Harry.

    Và đó là lý do tại sao tôi giảng dạy. Các giáo viên những người thường xuyên nói rằng, “Ồ, bài tập của sinh viên ý mà”, nên suy nghĩ lại về ý nghĩa của việc giảng dạy.

    Georges Braque đã nói rằng khi phương tiện bị hạn chế, sẽ nảy sinh hình thức mới. Tôi nói rằng, chúng ta sẽ tìm ra những điều gì nên làm bằng cách biết những điều gì chúng ta không nên làm.

    Và do vậy, nếu trái tim của bạn thuộc về việc chụp ảnh phong cảnh platin khổ lớn cỡ 8x10, những dãy núi phương nam mù sương, hãy tìm lối đi của bạn qua việc tham khảo những tác giả gây cảm hứng cho bạn, hãy nhảy lên chuyến xe buýt của bạn và quỷ tha ma bắt những kẻ nói rằng bạn hầu như chỉ lặp đi lặp lại những gì người khác đã làm trước đấy. Hãy đợi tháng năm trôi và sớm thôi sự khác biệt của bạn sẽ xuất hiện rõ ràng, minh bạch, khi đó sự sáng tạo độc đáo của bạn sẽ rất dễ được ra, kể cả ở trong những bức ảnh bạn đã chụp những năm đầu tiên khi mà mọi thứ bạn chụp dường như chỉ là lặp lại những bức ảnh người khác chụp trước đó.

    Chúng ta có thể thử nghiệm rất nhiều thứ trong nghệ thuật, có thể trở thành mười nghệ sĩ với phong cách khác nhau, nhưng nếu chúng ta làm thế, rất nguy hiểm là chúng ta cuối cùng sẽ không đi thật xa. Hãy nhẩy lên chuyến xe buýt chứa những giấc mơ của bạn và ở yên đấy.

    Để kết thúc tôi muốn dẫn bạn đến Thụy Sĩ nơi tôi cũng tham gia giảng dạy.

    Hãy lùi lại, lùi lại, đủ xa để bạn thấy đỉnh núi, đỉnh cao sự nghiệp của riêng bạn, và hãy thẳng tiến tới nó dù biết rằng nó sẽ biến mất khỏi tầm nhìn của bạn trong hầu hết cuộc đời khi bạn lần theo những đường mòn quanh co ẩn dấu trong rừng, những con đường đưa bạn đế những đỉnh cao mặc dù đôi khi nó bắt bạn đi xuống những sườn núi của sự thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng, nhưng bạn sẽ lại sớm trèo lên và luôn hướng về đích.

    Sẽ có những dịp đặc biệt, và thậm chí có khả nhiều dịp, khi những công việc của bạn đột nhiên đơm hoa kết trái, để bạn mừng vui vì đã thành công, khi đó bạn sẽ thấy lại đỉnh cao ấy, gần hơn bao giờ hết, khiên bạn tự tin để dấn bước tiếp một cách quả cảm và phấn khởi hơn.

    Vào thời điểm nào đấy, cây trong rừng sẽ thưa như tóc trên đỉnh đầu của một người đàn ông bắt đầu hói, và không khí sẽ trong lành hơn, con đường của bạn càng rõ ràng hơn bao giờ.

    Lên tới đỉnh bạn sẽ vui mừng vì những gì mình đã đạt được nhưng bạn cũng ý thức được còn những đỉnh núi khác cao hơn những gì bạn có thể mơ thấy, những đỉnh cao mà khi bạn lần đầu nhìn thấy chúng từ xa, thật khó mà đánh giá được chiều cao của chúng.

    Giờ đây từ đỉnh cao bạn thấy chúng rõ ràng hơn và những tháng ngày leo trèo của bạn đã trôi qua.

    Nếu bạn nhìn lên những đỉnh núi cao lớn đó với sự giận dữ đố kị, bạn sẽ chấm dứt những ngày tháng của bạn với nỗi buồn và sự tiếc nuối.

    Nếu bạn nhìn xuống con đường đã đưa bạn lên tới đây, bạn có thể trở nên tự hào hoặc thậm chí kiêu căng nếu bạn yêu từng bước chân bạn đã đi.

    Nhưng nếu bạn phóng tầm mắt về phía chân trời và ngắm toàn cảnh lộng lẫy trải dài trước bạn, bạn sẽ thấy thanh thản và thật khiêm nhường.

    Chúng ta không cần phải trở thành “số 1, là riêng, là duy nhất” trên thế giới. Chúng ta chỉ cần trở thành số một với chính bản thân mình. Bạn sẽ có một cảm giác yên bình đặc biệt cùng với sự khiêm nhường đó, sự khiêm nhường sẽ mang đến cho bạn sự tôn trọng từ những đỉnh cao ở trên hoặc ở bên dưới bạn.

    Khi bạn đạt đến đỉnh cao đó trong đời, bạn đã đạt đến đỉnh cao nhất trong những đỉnh cao.

    Chúa trời không thể nào phù hộ cả hai đội trong cùng một trận bóng đá, hay phù hộ một quốc gia mà làm tổn hại quốc gia kia.

    Bạn không thể là số một mà không có số 2, số 3, số 4 hoặc các số khác.

    Đó là một bài học mà chúng tôi đã được học trong các trường học ở Mỹ, tôi nghĩ vậy. Tôi hy vọng vậy.

    Khi tôi nhìn thấy những miếng dán xe khoe rằng con trai tôi đứng đầu khoa, tôi nhìn thấy những đứa trẻ con khác không được như vậy. Tracey Moffatt đã làm một loạt tác phẩm cảm động dành tặng cho những vận động viên về đích thứ 4: không huy chương vàng, không huy chương bạc, thậm chí không huy chương đồng. Trở thành người số 1? Nghĩa là không còn giấc mơ để theo đuổi. Chúng ta chỉ cần làm người tốt. Và làm công việc thật tốt.

    Do đó, hãy trở thành người gìn giữ cái nhìn của bạn. Hãy làm nó nổi tiếng. Và trên hết, hãy nhớ, nghệ thuật chính là sự thử nghiệm thành công.

    Tôi chúc bạn may mắn và hẹn gặp lại bạn ở ngoài kia. Bạn sẽ trở nên tuyệt vời.

    [​IMG]
    ©Arno Rafael Minkkinen, 2006

    Đôi điều về tác giả:

    Arno Rafael Minkkinen là một nhiếp ảnh gia người Phần Lan (sinh năm 1945) hành nghề ở Mỹ. Ông nổi tiếng về những bức ảnh đen trắng chụp chân dung và cơ thể của chính ông kết hợp với phong cảnh theo phong cách siêu thực.
     
  3. 6c33c

    6c33c Advanced Member

    Joined:
    5/12/05
    Messages:
    547
    Likes Received:
    0
    Bài viết hay quá . Nhưng vẫn chỉ là kiến thức copy ở đâu đó .
     
  4. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Bạn nên đọc kỹ lại post đầu tiên.
    Không phải là đâu đó mà là cụ thể của ai đó. Bạn không hứng thú với cách của topic này thì có thể không tham gia.
     
  5. muoimeo-2005

    muoimeo-2005 Advanced Member

    Joined:
    10/10/11
    Messages:
    1.153
    Likes Received:
    2
    Bàn về Thế Giới Quan của người bấm máy qua ảnh post .

    Bài trích dẫn cũng rất hay đó chứ bác "Sáu". Nó giúp chúng ta hiểu thêm khái niệm thế nào là sự khiêm tốn và kiên trì của 1 nghệ sỹ thực sự.Nó hoàn toàn khác với thói quen tự tâng bốc lẫn nhau của những nghệ sỹ rởm. Em tin rằng,tuy luôn ở trên 1 chiếc xe bus cho tới khi chiếc xe bus đó đi tới 1 ngã rẽ cho riêng mình,nhưng người nghệ sỹ đó không ít lần tự nhìn lại chính quãng đường của mình đã đi qua như thế nào. Nghệ thuật đòi hỏi sự kiên trì,nhưng không hề đồng nghĩa với sự "tự ru ngủ".
    Và,thời gian sẽ là câu trả lời cho tất cả.
     
  6. nck_kool

    nck_kool Advanced Member

    Joined:
    8/3/06
    Messages:
    6.580
    Likes Received:
    5
    Location:
    Tây Bắc
    Thật là tiếc! Tiếc là tác giả viết theo hướng dành cho những người chuyên nghiệp hơn là cho người chơi vui :p

    Thật là tuyệt! với một hướng đi, có thể chỉ khuyên bằng một vài câu nói mà tác giả đã dẫn dắt người đọc đi qua rất nhiều khía cạnh để hiểu thấu đáo. Thật là tuyệt với một người được giáo dục một cách hoàn hảo với khả năng viết tuyệt vời, dễ hiểu. Thật là tuyệt vời! một con người thật nhân văn với những lời lẽ đầy khiêm tốn, đơn giản để truyền tải những điều thú vị đến cho mọi người.

    Thật là tuyệt! Mặc dù ngày mai, ngày kia và cả tuần em lại phải... đi cày, không có ý định lên một chuyến xe bus nào cả. Nhưng sẽ nhớ câu chuyện này :D
     
  7. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Chơi vui thì cũng phải có chuyến xe riêng cho mình chứ???
    Đôi khi chơi còn khó hơn là làm việc. Chơi là cho chính bản thân mình, còn làm việc có khi lại là cho người khác :D
     
  8. nck_kool

    nck_kool Advanced Member

    Joined:
    8/3/06
    Messages:
    6.580
    Likes Received:
    5
    Location:
    Tây Bắc
    Điều này có lẽ là sai, ví dụ chỉ thích xe đạp mà cứ bắt đi xe buýt. Có những người chụp ảnh chỉ vì muốn nghe tiếng màn chập "tạch" phát hoặc "phập phọp" mà lại cứ bắt lấy bố cục :lol:

    Đời rất dở
     
  9. liming

    liming Advanced Member

    Joined:
    11/4/08
    Messages:
    1.878
    Likes Received:
    2
    Location:
    Hanoi
    Em biết đến trang Cinvea lần đầu do bạn Candid trích dẫn trong một bài viết về kỹ thuật trước đây và cũng đã đọc bài này. Giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp trên thế giới đã đi đi rất lâu và rất xa trong việc hình thành, phát triển các trường phái nhiếp ảnh, nhiều trường phái khá gắn bó với hội họa. Hồi còn sinh viên hay ngồi Thư viện Quốc gia, những lúc đọc về lịch sử nhiếp ảnh tới phần này em thường rất hoang mang và kinh ngạc nhưng lại ít bị cuốn hút. Những ảnh trên cảm nhận cá nhân em khi lần đầu xem là cứ có cảm giác sợ sợ.
     
  10. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Em thì lại khoái xem những bức kiểu như vậy. Không phải cách đề cập vấn đề trực diện như thường, càng xem càng phát hiện ra nhiều thứ hơn mình tưởng.
     
  11. smilingman82

    smilingman82 Advanced Member

    Joined:
    22/6/10
    Messages:
    84
    Likes Received:
    6
    e chỉ là dân amater nhưng thấy khá tâm đắc với bài này...để tạo ra được cá tính, cái tôi trong bức ảnh thực sự khó...khi nhìn vào ảnh ng ta bít ngay đó là ông A, ông B..chứ ko phải bác C nào đó..thanks bác nguyenstyle đã share
     
  12. thomas

    thomas Advanced Member

    Joined:
    25/3/06
    Messages:
    1.432
    Likes Received:
    0
    Location:
    hcmc
    Hay quá anh Nguyenstype ơi, giới thiệu giúp em thêm nhiều link để đọc đi anh. Cám ơn anh nhiều.
     

Share This Page

Loading...