Ráp Amp 2A3 SE cho người mới bắt đầu .

Discussion in 'Đèn điện tử' started by Rumbeng, 8/12/05.

  1. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Lọ mọ … lắp âmpli đèn 2A3 SE

    Lần đầu tiên offline nhóm “Quen nhau qua forum”, chứng kiến cảnh 1 bạn khệ nệ trình làng cái Ampli EL34 SE tự lắp, lòng tôi thật ngưỡng mộ và cứ mơ tưởng đến một ngày nào đó mình cũng tự làm được một “cục phát tiếng người”. Say đà với sự thành công của dự án “Tự đóng loa toàn dải”, sự thèm khát xưa trong tôi tràn về, sẵn cái tính AQ, thế là tôi quyết định sẽ tự lắp 1 cái ampli để chơi.

    Mặc dù biết mình là “thừa quyết tâm, thiếu kiến thức”, nhưng với suy nghĩ “quanh ta luôn có bạn bè, cái gì mà làm không được”, nên tôi không hề nao núng gì. Qua quá trình gần 2 tháng vừa hỏi han, vừa lọ mọ thực hiện, cuối cùng cái ampli 2A3SE của tôi cũng hòan thành trong niềm vui của bản thân hòa lẫn với sự tận tình giúp đỡ chỉ dẫn của rất nhiều người… Nghĩ rằng với “kinh nghiệm liều mạng” của mình cũng có thể giúp ích một phần nào đó cho những bạn “ABC về điện tử” nhưng cũng muốn thử sức, nên tôi tôi quyết định re-play lại câu chuyện của mình… từ A đến Z.
    Nảy sinh ý tưởng
    Trong quá trình lang thang trên Internet để dò la tin tức về cái Fostex FE208EZ của mình, tôi thấy người ta cứ bàn ra tán vào dòng loa Fostex của mình hợp với một loại Ampli đèn sử dụng bóng 2A3. Thử tìm hiểu kỹ hơn thì tôi được biết đó là loại đèn điện tử có công suất nhỏ chuyên để lắp Ampli dùng cho loa có độ nhạy cao. Lại thêm thông tin các dân chơi Nhật Bản kháo nhau 2A3 phải lắp theo kiểu SE thì âm thanh nghe mới đã, thế là tôi cứ đăm đắm phải có ampli 2A3SE để chơi (mặc dù trong đầu chỉ biết vỏn vẹn SE là Single-End).

    Tưởng là quyết định chơi chơi, ai nhè sau khi được một số bạn bè nói hùa, đại loại như: “…Tớ cũng mới dùng 1 amp 2A3SE cho đôi FE206E nhà tớ. Tiếng trung ngọt như mía; 2A3 nghe đều các dải; Amp. 2A3 tỏa nhiệt rất ít, bóng gần như không sáng. Rất phù hợp với khí hậu trong Nam.” ... nên tôi rất yên tâm với lựa chọn của mình. Với tiêu chí sản phẩm tự làm của mình phải ngon, bổ, rẻ kiểu "khéo gắp thì no, khéo co thì ấm" nên cuối cùng tôi đã dừng bước giang hồ với 1 sơ đồ mạch SRPP 6922-2A3 cực kỳ đơn giản (không có tụ nối tầng) do một thành viên trên Forum có Nickname là Yesterday đề xướng:




    Xem mạch và … thắc mắc
    Với kiến thức điện của bậc phổ thông trung học đã rơi vãi dăm phần cùng với cuốn sách “ Điện tử căn bản“ mua ngoài Nhật tảo, tôi đã xem mạch và “rải thảm” thắc mắc từ A đến Z của mình. Sau một thời gian, mớ kiến thức mà tôi thu hoạch được về các linh kiện của mạch qua những truyền đạt của các cao nhân cũng được một dúm, xin chia sẻ cùng các bạn như sau :

    1. Volumn

    Ký hiệu răng cưa có mũi tên ở giữa với thông số A100K chính là volumn của ampli, volumn còn được biết đến với tên là chiết áp. Thực tế, nó là một biến trở (điện trở có thể gia giảm được) và thường dùng cho ampli có 2 trị số: 100K và 250K (Kí lô Ôm).
    Xét về công dụng cho nguồn tín hiệu, volumn có thể chia làm 2 lọai: đơn (mono) và kép (stereo) - 2 volumn đơn trong cùng 1 khối, dùng cho 2 kênh. Một volumn đơn có 3 chân, nôm na ta có thể hình dung như sau: chân 1 nối với tín hiệu vào, chân 2 là chân tín hiệu ra, chân 3 nối với mass (vỏ máy); khi ta vặn volumn từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ thì làm cho tổng trở giữa chân 1 và chân 2 (R1-2) giảm dần , R2-3 tăng dần (trong khi R1-3 không thay đổi và luôn bằng tổng trở của volumn).
    Ta luôn có R1-2 + R2-3 = R1-3 và khi volumn ở vị trí zero thì chân 2 ở tại vị trí chân 3, khi ta tăng dần volumn theo chiều kim đồng hồ thì chân 2 xa dần chân 3 và tiến dần về chân 1.
    Nếu dựa vào cách thức tăng giảm điện trở R1-2 (điện trở mà tín hiệu phải đi qua), ta lại thấy volumn chia làm 2 lọai A và B ( ví dụ A100K ):
    • Loại A – Analog - điện trở R1-2 được tăng giảm không đều theo kiểu logarit (hệ số mũ), do cấu tạo điện trở bên trong gồm nhiều điện trở có trị số khác nhau nối tiếp với sau và vì thế volumn loại A là loại tiếp điểm (khi vặn ta thấy đi từng bước một).
    • Loại B - Balance – điện trờ R1-2 được tăng giảm đều (tuyến tính), chân 2 sẽ trượt trên một điện trở nên khi vặn ta thấy sẽ trơn đều. Thường thì tôi thấy người ta khoái lọai A hơn vì khi tăng volumn thì điện trở R1-2 được giảm từ từ, do đó âm lượng không bị to rống lên (À quên, lưu ý với các bạn rằng: có loại điện trở tiếp điểm, vặn từng bước nhưng chưa chắc là lọai A, vì cấu tạo bên trong bao gồm các điện trở có trị số bằng nhau).
    Volumn có ảnh hưởng lớn đến chất âm không? theo lý giải của những dân chơi thì: vì tín hiệu phải qua điện trở R1-2 trước khi được xử lý nên chất liệu cấu tạo của điện trở trong volumn tốt, không gây nhiễu thì sẽ cho âm thanh hay hơn (riêng tai lão của tôi thì chỉ thấy khác biệt nếu volumn … hư). Còn sự khác nhau giữa các loại khác trị số thì có ý kiến như sau: “ volume ohm càng cao thì càng .... mắc tiền, volumn 250K là ổn cho đồ đèn, tiếng bass sẽ sâu hơn loại 100K nhiều (tần số cực thấp không bị chạy xuống mass!?).
    Ngoài ra, cũng có loại volumn kép có 8 chân (mỗi kênh có 4 chân), đây là volumn có Loudness, loại dùng cho amply bán dẫn (thật ra tôi không hiểu lắm), nhưng nếu ta có thì cứ bỏ cái chân thứ 4 đi thì lại sử dụng như các loại volumn thường.
    Volumn có giá cả rất khác nhau, tùy lọai đơn hay đôi, đồ “hãng” hay đồ Trung Quốc mà giá cả có thể từ từ vài nghìn đến vài trăm USD. Có thể kể 1 vài tên tuổi như DACT, ALPS, NOBLE… Nhưng nếu lắp chơi thì ta cứ rẻ mà chơi vì còn lâu mới đạt trình độ nhận biết được ảnh hưởng của volumn .Trở lại chuyện bản thân, tôi được một ông anh tặng cho 1 cái volumn ALPS 250K-B nên cứ thế mà xài tạm mặc dù mạch trên khuyến dùng loại A100K.

    2. Bóng 6922
    Tôi không rành về đèn nên cứ ngây ngô thế này: đèn 6922 (tương đương 6DJ8 hay ECC88) là đèn tiền khuếch đại, gồm có 2 đèn 3 cực trong 1 bóng. Đèn có 9 chân tăm, trong đó 2 đèn 3 cực chiếm hết 6 chân ( 2 lưới – chân 2 & 7 ; 2 anod – chân 1 & 6 và 2 cathod – chân 3 & 8 ), 2 chân đốt tim filament là 4 và 5, chân thứ 9 có thể không sử dụng. Số của chân đèn được đánh số theo chiều kim đồng hồ khi ta nhìn từ đáy lên và số 1 bắt đầu từ chân bên trái của khoảng cách rộng nhất.


    Theo mạch trên thì tôi cần 2 bóng 6922 ( 4 đèn 3 cực ), tùy vào sở thích cá nhân khi lắp mà ta có thể dùng 2 đèn 3 cực trong 1 bóng cho 1 kênh của Ampli hoặc mỗi bóng dùng 1 đèn 3 cực, mỗi cách đều có ưu khuyết đan xen về tính tiện dụng, kiểu sắp xếp, tính cân bằng ( match ) …
    Đèn 6922 được đốt tim với điện áp là 6.3V (AC hay DC đều được). Đế đèn dùng cho 6922 là loại socket 9 chân tăm và thường có đánh số. Giá cả của đèn 6DJ8 thì vô bờ bến: 6922 EH Nga ngố khoảng 15USD, JAN Philips khoảng 20USD còn Amperex thì 150USD/bóng. Ở Việt nam thì chợ Nhật tảo bán 6922 Sylvania khoảng 120.000 đồng, Amperex 150.000 đồng. Để chuẩn bị cho “dự án” thì tôi có mua 1 cặp 6DJ8 với giá 150.000 đồng ở Nhật tảo và sau đó “nhặt” được ở nhà 1 anh bạn khác 1 cặp 6DJ8/ECC88 Amperex (made in Hollan ). Trớ trêu thay, sau này tôi mới biết cặp mua thì … hư, còn cặp “nhặt” thì chạy phe phé. Nếu các bạn mua bóng ngoài chợ thì cũng nên để ý điểm này.

    3. Điện trở
    Về điện trở thì tôi xin được trình bày hơi lộn xộn, mong các bạn thông cảm: Điện trở có các công dụng khác nhau trong mạch nêu trên nhưng chung quy lại là làm giảm điện áp. Điện trở có rất nhiều loại nào là màng than, màng kim loại, dây quấn… Điện trở xịn, tốt, ít sai số có giá từ 1 đến 5 USD/cái (loại có công suất nhỏ), trong khi điện trở Trung Quốc thì có giá chỉ từ vài trăm đồng đến vài nghìn đồng là “kịch đường tàu”. Thật ra, sẽ là không quan trọng nếu đi sâu vào điện trở, nhưng tôi xin liệt kê một vài ý kiến để các bạn có thông tin :






    • Điện trở có giá trung bình vài USD/cái là loại Kiwame, loại này là điện trở màng than chất lượng cao (hi-grade carbon resistor), nhiễu âm thấp (low noise) và được các DIYer trên thế giới đánh giá cao nên cho âm thanh tự nhiên hơn. Tuy nhiên, để khai thác được cái hay của một linh kiện, thì các linh kiện khác cũng phải “môn đăng hộ đối”, Ví dụ: điện trở Kiwame đi chung với tụ nối tầng Audio Note và tụ thoát âm cực BlackGate và .... nhiều linh kiện chất lượng cao cấp khác nữa.
    • Thông tin từ http://www.sasaudiolabs.com/resistor.htm thì: SAS Audio Lab có nêu tham khảo kết quả test chất lượng một số loại trở của một số hãng. Tỉ số tạp âm của linh kiện chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng vật liệu và trình độ công nghệ của nhà chế tạo. Nếu so sánh chất lượng điện trở màng kim giá 1.000 đồng/cái mới tinh nhập từ TQ với mấy loại low noise Hi-Grade Carbon Film và Hi-grade Metal Film cho audio thì cũng tương tự như so sánh dây dẫn bằng đồng thông thường với dây đồng OFC hay dây bạc vậy...
    • Một số điện trở NOS dùng trong các thiết bị tube của quân sự, thường thì là loại than nén hoặc màng than, không biết có phải là low noise không nhưng chất lượng âm thanh không kém Kiwame 1USD/chiếc. Thử thay toàn bộ điện trở màng kim TQ bằng loại NOS này, âm thanh rất mộc mạc và tự nhiên hơn nhiều lắm...
    • Điện trở thì cũng như dây dẫn, chỉ có điều là trở suất và tiết diện khác nhau mà thôi. Chất lượng của điện trở cũng tương tự như chất lượng dây dẫn chủ yếu phụ thuộc vào sự đồng chất của vật liệu và sự đồng đều về mật độ khi phân bổ trên tiết diện. Điện trở NOS màng than hay than nén của tụi quân sự USA ngày xưa thì hiển nhiên là phải hơn mấy cái màng kim TQ bán đầy chợ Nhật tảo rồi.
    • Không nhất thiết phải dùng một loại điện trở trên tất cả các vị trí của ampli, vì tùy theo công suất cần thiết , yêu cầu âm thanh , tính kinh tế mà sử dụng cho phù hợp.
    • Công suất: điện trở lựa chọn phải theo công suất, tốt nhất cỡ 150% công suất cần thiết trở lên thì an toàn.
    • Chất liệu trở và yêu cầu âm thanh: Phần nguồn, nên dùng dây quấn, metal oxide...cho rẻ và chịu được nhiệt cao và không biến đổi. Phần tín hiệu nên dùng RO, AB, KW...để đạt được màu sắc tubey đậm đà. Các đường thoát g1 có thể dùng metaloxide cũng rất tốt. Trong phần phono nên dùng RO, hoặc KW hoặc metal oxide để tránh tạp.
    • Tính kinh tế: Các trở tốt như RO, KW thường rất đắt, ta chỉ dùng khi nó ở mạch tín hiệu thôi. Các vị trí khác cứ trở Tàu mà dùng. Tất nhiên, ai mà muốn chơi... tới bến thì cứ trở tốt mà dùng, như thế rất tốt, chỉ có điều kinh phí lên cao quá mà thôi.
    • Rikken Ohm là hay nhất, "tình nhạc" tràn trề,
    • Kiwame hay tương tự AB, cả hai cũng "tình nhạc tràn trề" nhưng Kiwame ít tạp hơn, chơi vào phono thì thấy rõ,
    • Metal oxide cao cấp thì rất ít tạp nhưng âm thanh đơ đơ, điển hình là một số máy của Mỹ, nghe nhạc nó thiếu mất cái "tình",
    • Mới ráp thì cứ trở Tàu các bạn ráp, sau có điều kiện nâng đời dần.
    Nghe một hồi lùng bùng lỗ tai, tôi chọn lọai TQ sản xuất cho rẻ và dễ tìm. Tôi cũng dự kiến sẽ dùng 2 điện trở 5K 10W để thay 4 con 10K 5W.

    4. Tụ điện
    Nói về tụ điện thì tôi lại càng mù tịt nữa, thôi kệ biết tới đâu nói tới đó, đương nhiên cái gì không biết thì sẽ có người khác trả lời hộ. Tụ điện có tên gọi là Capacitor với ký hiệu là C, nó có thông số được tính bằng Fara (F) để chỉ độ tích điện nhưng thông thường thì ta chỉ gặp đơn vị thông dụng là micro Fara (ký hiệu là uF). Một lưu ý nữa là tụ điện có một thông số quan trọng nữa là điện áp chịu đựng, đương nhiên là được tính bằng Vôn (V). Ví dụ như ảnh trên có 1 tụ điện với trị số 4700uF 16V.







    Theo tôi biết thì tụ điện có 2 loại: phân cực và không phân cực (polar và non-polar) tức là có chia cực âm (-) và cực dương (+), tác dụng của chúng với dòng điện AC và DC có khác nhau. Nhưng thôi, những gì về kiến thức chuyên sâu hơn thì để bàn sau, tôi xin đi thẳng vào những tụ sử dụng trong mạch và một vài thông tin về nó :
    • Các tụ được nêu ở mạch trên nếu mà dùng tụ của hãng xịn, mới keng, thì đắt đỏ (từ vài chục USD cho đến hơn cả trăm USD) nên tôi quyết định mua tụ cũ do người ta tháo máy ra với giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/cái (tùy trị số). Các nhãn hiệu tụ cũ thường được bán ở chợ là Rubycon,Nichicon,Philips, Nippon Chemical…. Những tụ này tôi nghe lỏm được ý kiến từ những người lắp Ampli chuyên nghiệp thì tốt hơn mấy con tụ Trung Quốc mới. Khi mua thì ta phải đo xem nó có bị hư không ?
    • Có ý kiến cho rằng “dùng tụ Non-polar để thoát cathod ( vị trí của tụ 100uF 350V ở mạch trên ) sẽ cho âm thanh hay hơn tụ hóa thường (có phân cực), nhưng lý do chính không phải phân cực hay không mà do tụ Non Polar luôn có dòng rò nhỏ hơn tụ thường.

    5. Bóng 2A3
    Đèn 2A3 là đèn công suất nhỏ, đốt tim trực tiếp với điện áp 2.5V . Đèn này nếu mua ở Việt nam thì giá cũng không rẻ và chưa chắc cân bằng nên tôi quyết định nhờ mua ở nước ngoài. Rà trên mạng thì tôi thấy : 2A3 Electro Harmonic lưới vàng (Nga) bên Thái lan có giá 1.900 baht/bóng , tương đương 100 USD 1 đôi, còn 2A3 Sovtex (cũng của Nga) thì rẻ hơn, khoảng 1250 baht/bóng. Các ý kiến so sánh về 2A3 của Electro-Harmonic và Sovtex mà tôi nghe được như sau: 2A3 của Sovtek được dùng rộng rãi hơn (có lẽ vì giá rẻ hơn) và cũng được đánh giá cao. Bóng này được Sam Tellig, người viết mục Sam's Space trong Stereophile ưa dùng nhất cho cái amp Sun Audio 2A3SE của mình.
    Ai mà dùng loa Fostex ghép với amp 2A3 thì coi như là “đẹp đôi” lắm. Theo ông này, bóng 2A3 Electro-Harmonic rất tuyệt vời sau khi chạy burn-in khá lâu. Bóng 2A3 của Electro-Harmonic có "gold grids" và đế bằng gốm, cao cấp hơn bóng của Sovtek. Giá hai bóng chênh nhau 20 USD trong thetubestore.com.
    • Ngoài ra còn có bóng 2A3 của một số hãng khác như: Svetlana, GE, Jimtac, RCA và Sylvania …với giá cả rất khác nhau. Ngoài giá cả ra, ta còn phải chú ý là nó có cân nhau (match pair) không nữa .
    • Sau khi nhờ bạn mua hộ, vượt ngoài mong đợi, 2A3 có nơi bán chỉ 50 USD/cặp chưa kể tiền ship vận chuyển, tôi chơi luôn 2 cặp vừa EH vừa Sovtex vì cứ nghĩ mình đã tiết kiệm được 1 ít so với dự tính .

    6. Biến trở chỉnh hum
    Biến trở này thực ra chỉ là một volumn B nhưng có công suất cao. Biến trở này có thể mua ở Chợ Nhật Tảo hoặc Dân Sinh, nhưng nếu không có thì ta có thể “chế” bằng cách sử dụng 1 điện trở dây quấn trên ống sứ, cạo bỏ phẩn bao phủ và dùng 1 cái kẹp ( con chạy là vòng kim loại) đặt ở giữa và điều chỉnh bằng cách điều chỉnh qua trái hoặc qua phải sao cho 2 bên đạt được cân bằng. Biến trở này đến với tôi thật là nhẹ nhàng, thấy mặt hơi mếu máo tí thì lại có một anh bạn khác…ngỏ lời biếu tặng 2 chú 50 Ohm 3W (có khi là tôi ở hiền gặp lành hay sao ấy ).

    7. Xuất âm OPT
    Biến thế xuất âm (Output Transformer) là bộ phận quan trọng nhất và cũng chiếm tỷ trọng chi phí lớn nhất trong Ampli đèn điện tử. Cấu tạo cơ bản của mỗi OPT gồm 2 cuộn dây: sơ cấp và thứ cấp. Cuộn sơ cấp nối với mạch điện thường với 2 đầu B và P, còn thứ cấp thì nối với cọc output ra loa bằng những đầu có trở kháng khác nhau. Trở kháng ra loa thông thường có các thông số sau: 4, 8, 16 ohm.
    Qua tham khảo thì tôi thấy có 3 trường phái chơi OPT: mua mới, mua đồ hãng đã qua sử dụng và đặt quấn (hoặc tự quấn ) theo thông số yêu cầu:
    • Mua mới: đồ xịn thì đắt và làm người mới tập ráp ngại và … mất vui. Mất vui cũng phải vì đồ tốt cho đèn 2A3 như TANGO thì giá có thể lên đến gần 500 USD, vừa vừa như JAMES cũng gần 300 USD.

    TANGO AUDIO NOTE

    • Mua đồ đã qua sử dụng: cũng có chất lượng tương đối, nhưng hơi khó tìm và thường bị đẩy giá lên cao hơn giá trị thực của nó. Có ý kiến “ Nếu kiếm được bộ OPT của Akai M-8 còn nguyên bản (5K) mà ráp EL-84 hoặc 2A3 để chơi với Fostex cũng đã là hay tuyệt cú con mèo. Bộ OPT của M-8 hiện nay có giá khoảng 500.000 đồng tại Hà Nội, có âm thanh rất được. Với trở kháng 5K, ta có thể ráp được rất nhiều loại đèn. Còn nếu mua được cái Akai 1710W mà lấy cặp OPT của nó ra thì âm thanh rất hay, mặc dù OPT đó chỉ to đúng bằng bao diêm mà thôi”.
    • Thuê quấn: Phương án này đòi hỏi người quấn phải có nhiều kinh nghiệm cộng thêm phải có lõi Fe sắt phù hợp. Ý kiến về phần này thì lại có : “ Thật ra kiếm được cái lõi tốt mới là khó, còn quấn lại trên lõi tốt, nhất là quấn SE ( Single-End ) có thể đạt được đến 90% chất lượng của OPT original.
    • Trước đây tôi vẫn quấn bằng lõi Sansui 500A, 1000A hoặc Luxman 38FD gỡ ra, âm thanh cũng rất tốt. Gần đây do có nhiều đồ xịn nên mới thôi không quấn nữa. Vấn đề là vừa hay , vừa mạnh mới khó, mới cần đồ xịn mắc tiền. Còn chỉ cần hay, không cần mạnh, mà chơi loa nhạy cao thì cứ đồ cũ mà xài, vừa hay, vừa kinh tế. Khi quấn, nên chọn loại dây đồng tốt, đồng Rumania, Nga, Nhật, Mỹ là rất tốt... gần đây trên thị trường rất nhiều đồng của China, chất lượng rất xoàng”.


    SILK JAMES


    Tìm mua đồ cũ thì khó, giá cũng không rẻ, còn thuê quấn thì tôi lại không biết địa chỉ đáng tin. Sau khi cân đi đếm lại, tôi đã chọn phương án mua mới và nhãn hiệu là SILK của Thái Lan với model S325 Si với tầm giá trên 200 USD .

    8. Biến thế nguồn
    Biến thế này sẽ cho các điện áp cần dùng cho mạch của Ampli , điện vào 220V và ra các điện thế dùng cho cao áp và tất cả điện áp đốt tim cho tất cả các đèn sử dụng. Cũng giống như OPT, mua mới của hãng thì đắt và không thực tế lắm vì Việt nam dư sức làm, thậm chí bạn có thể tự quấn nếu có kiến thức và … lòng kiên trì . Một phương án rất được nhiều người ưa chuộng là mua các biến áp nguồn quân sự còn lại (mới lẫn cũ), loại này rất tốt nhưng khó tìm để phù hợp với tất cả điện áp mình mong muốn. Tôi thì theo phương án thuê Nhật tảo quấn. Chi tiết tính toán thông số cụ thể để thuê quấn tôi xin được trình bày ở phần sau (vì có một số thông số liên quan đến phương án nắn điện từ AC qua DC bằng đèn hay Diod).

    9. Choke
    Choke tức là cuộn cảm, có cấu tạo đơn giản là một cuộn dây quấn trên một lõi sắt, khi dòng điện đi qua sẽ sinh ra từ cảm. Thông số của choke tôi thường thấy là H (henry) và dòng điện chịu đựng là mA (mili Ampe), mặc dù trong thực tế ta cũng thấy mH và A. Một điều nữa cần chú ý là cuộn cảm choke bản thân là cuộn dây nên cũng có điện trở (người ta gọi là nội trở), khi dòng điện chạy qua cũng tụt áp chút đỉnh .
    Có người cho rằng trong trường hợp OPT nhỏ quá, phải dùng choke loại tốt, khỏang 10H (loại choke có fe như OPT ấy) thì mid mới căng và bass mới có chi tiết và có lực. Theo lời bạn bè, tôi dùng một biến thế xuyến hiệu Hoàn cầu để sử dụng như choke, nhưng thất bại (tôi sẽ đề cập ở Phần thi công trong số báo tới).

    10. Đèn nắn và Diod
    Tôi thì chả cần hiểu cái đèn nắn điện hay diod nó hoạt động theo cơ chế nào, chỉ biết cấp 1 dòng điện 5V để đốt tim cho nó thì AC thành DC và điện áp được nâng lên chút đỉnh khoảng 6-7 vôn gì đó. Giá cả của đèn nắn loại phổ thông thì cũng chỉ vài chục ngàn, nhịn tiền ăn sáng 1 tuần là mua được. Nếu không nắn bằng đèn thì ta cũng có thể nắn bằng diod cho đơn giản. Nếu nắn điện cao áp bằng diode, nên có thêm 1 công tắc Stand-by cho B+, hoặc thêm 1 mạch delay turn-on đơn giản bằng IC555 (riêng khoản delay này thì tôi chỉ nghe nói thôi chứ không làm).
    Nói vậy thôi chứ đèn nắn điện thì tôi chỉ chú ý 2 điểm chính: điện áp cao nhất chịu được và dòng điện (mA) tương ứng; độ sụt điện áp sau khi nắn (ngoài ra còn mấy cái điểm bao nhiêu chân, hình dáng, điện áp đốt tim... thì cứ từ từ rồi cũng ổn). Hai điểm nêu trên thì bạn cứ lên Internet lượn vài dòng Google là OK.
    Một số bạn tôi nói đèn nắn có ảnh hưởng phần nào đến chất lượng âm thanh, 5Z3 cho tiếng bass mềm hơn 5U4G, 5U4G cho tiếng giòn hơn 5Z3… bạn có thể chọn tùy theo gu nghe nhạc của mình. Nhưng thôi, gác chuyện đó lại, tôi xin liệt kê tên vài loại nắn: 5U4G, 5R4, 5Z3, 5Y3, 83, 71…Trong lần “nhặt “ 6DJ8 đề cập ở trên, tôi cũng “vô tình” cầm được một chú 5R4 và ngoài ra được một anh cho mượn em 5U4 (nhưng số em này die sớm trong quá trình lắp của tôi).

    11. Những món linh tinh khác
    Tôi xin lan man một số lời ra ý vào gọi là thư giãn trước khi chúng ta bước vào giai đoạn thi công được trình bày ở số báo sau:
    Ký hiệu chỗ input là 1V 100K có nghĩa là chuẩn tín hiệu đầu vào: 1V/100K nghĩa là: Input 1V RMS, Impedance 100K . Còn gain là gì ? ta có thể hiểu “gain” = độ lợi. Trong ampli, thưòng người ta dùng để chỉ hệ số khếch đại (có thể là điện áp, dòng điện hay công suất ...). Vì tôi ráp ampli theo công nghệ tuốc-nơ-vít nên không quan trọng điểm này lắm.
    Dây dẫn dùng trong ampli đối với tôi không quan trọng (vì người ta cứ bàn về dây bạc dây đồng gì gì đó nhưng tôi cứ nghĩ đem vài tấc mà so với 300.000 km/giây thì chẳng ăn thua) nên cứ ra ngoài Nhật tảo, thấy gì mua nấy, không to cũng không nhỏ quá, tiết diện hình như khỏang 0.5mm2, 1 cuộn 8-9 sợi gì đó có giá mười mấy nghìn có nhiều màu khác nhau để dễ sử dụng, thế là đủ để xài .
    Kích thước khung sườn của ampli (chassic) phải đủ rộng rãi để dễ thao tác, dân mới tập làm mà. Thường thì ta phải chuẩn bị đầy đủ linh kiện, sắp xếp thử ra giấy rồi mới quyết định kích thước của chassi cho phù hợp. Tôi thấy chassi bằng nhôm thì mềm và dễ thi công hơn các kim lọai khác. Một lưu ý trong thiết kế sắp đặt vị trí linh kiện mà tôi cũng nghe lỏm được là: OPT và Power Main Transformer phải lắp vuông góc đường sức từ với nhau để tránh những “âm thanh lạ” sau khi hoàn thành.
    Tác giả của mạch nói với tôi: “…chân 8 của đèn 6922 chỉ có 1 con điện trở 220 Ohm mà không có tụ thoát đấu kèm song song vì mạch SRPP không cần tụ thoát cathode ( thế là tiết kiệm được 2 con tụ ) và 4 con điện trở 10K 5W có thể thay bằng 1 con 2.5K 20W hoặc 2 con 5K 10W…”
    Vì 2A3 là đèn triod đốt tim trực tiếp nên trên tim đèn 2A3 có dòng chạy của tín hiệu audio. Do đó, mỗi một bóng 2A3 cần một cuộn đốt tim riêng biệt! vậy nên phải có 2 cuộn 2.5V riêng biệt (kể cả mối 0V cũng không chung được). Thường khi đặt thợ Nhật tảo quấn, nhớ phòng hờ khoảng 100% công suất vì lõi Fe không tốt sẽ gây tình trạng không đảm bảo dòng. Thí dụ: muốn đốt 2.5V/2.5A, thì đặt 3V/5A là vừa.
    “Lời vàng ý ngọc” mà các anh em tặng tôi trước khi làm nguồn B+:
    • Đấu lộn cực các tụ hóa, diod, hàn lộn chân đèn... Để tránh các sơ sót này, ta nên vẽ ra sơ đồ mạch mà mình dự định làm, sau khi lắp xong, kiểm tra cần thận dây nhợ hàn đúng theo sơ đồ chưa.
    • Khi cấp điện lần đầu, đừng vội vàng đo đạc gì cả, tay luôn để sẳn trên công tắc (để kịp thời tắt ngay nguồn khi co sự cố), mắt quan sát các linh kiện, tai lắng nghe xem có tiếng bất thường gì không (tiếng rung của tăng phô nguồn...). Sau khoảng 15-20 giây êm ấm, một tay vẫn giữ công tắc, tay kia sờ thăm dò mấy cái linh kiện như diod, tụ, trở xem có nóng bất thường không. Cuối cùng mới là công tác đo đạc xem B+ thế nào.
    • Thường thì B+ chằng bao giờ đúng như ý ta cả, có khi nó bị cao, có khi bị thấp. Để khắc phục tình trạng này, khi đặt quấn tăng phô, ta nên đặt quấn cuộn B+ ra nhiều cấp điện áp. VD: B+=410V, dòng làm việc 140mA tổng cộng và có dùng choke (trở thuần thí dụ là 100R), =>cao áp mong muốn 410+14=424V, => tăng phô nguồn cấp ra khoảng 325VAC. Nên đặt quấn như sau: 335-330-325-320-315-0V-315-320-325-330-335, dòng 250mA. Nếu không tự tin với chất lượng biến áp nguồn chợ quấn, ta có thể đặt 2 nguồn riêng, 1 cho cao áp và 1 cho đốt tim (vì cái ý tưởng 2 nguồn rời mà cái ampli của tôi nó kồng kềnh đấy).
    • Mặc dù biết nắn đèn hay diod cầu đều kích lên 1.4 lần . Tuy nhiên, ta phải trừ lượng áp mất mát do nội trở của tăng phô, thường thì người ta chỉ nhân cho 1.3 thôi. Ngoài ra, khi nắn bằng đèn , ta còn phải trừ lượng áp rơi ( sụt áp ) trên đèn nắn nữa (nếu dùng 5U4 hoặc 5Z3, lượng áp này khoảng 45V).
    • Khi DIY cái ampli, ta nên lưu ý điều này: mạch điện càng đơn giản (không thiếu cũng không thừa), số lượng linh kiện càng ít, chất lượng âm thanh sẽ càng cao.Ví dụ: hai trở song song, nếu thay được bằng 1 trở tương đương về trị số, công suất cũng như chất lượng thì sẽ tốt hơn.
    • Mạch không xài tụ nối tầng cũng được xem là 1 ưu điểm. Tuy nhiên, việc hiệu chỉnh phải chuẩn và nguồn phải đảm bảo ổn định thì điểm làm việc của đèn 2A3 mới ổn định và độ tuyến tính mới cao, âm thanh mới “đẹp”.Về lý thuyết, mạch không xài tụ tầng thì đáp tuyến tốt nhất, rất rộng và phẳng, không bị méo phase. Tuy nhiên thực tế điều này chỉ đúng khi làm có kinh nghiệm rồi. Còn không, dùng tụ tầng dễ chỉnh hơn và âm thanh ngọt hơn, dùng direct thì tiếng có xu hướng hơi bị cương và khô nếu làm không tốt.

    Cách đi dây mass trong ampli rất quan trọng vì sẽ rất là “thất vọng bẽ bàng” khi sản phẩm DIY vừa xong đã ù. Qua tham khảo thì tôi thấy rằng cách đi dây mass hiệu quả cho người mới tập ráp là phải nối 1 điểm duy nhất xuống sườn máy (còn gọi là nối theo lối hình nan quạt – star grounding). Nói cụ thể hơn là có thể kết hợp nhiều nan quạt với nhau, ta có thể nối 1 vài điểm thành 1 nan quạt theo từng nhóm (như group pre, driver, output công suất, nguồn và theo từng kênh ). Sau đó nối các điểm chốt của từng nhóm đó thành 1 nan quạt nữa, điểm chốt cuối cùng sẽ nối xuống mass (kiểu này dễ bố trí linh kiện và tránh cho điểm nối mass trở thành mớ bùi nhùi như … cây lau nhà. Các điểm chốt nêu trên có thể là một đoạn dây đồng tốt, đường kính khoảng >1mm2.
    Một món để thử mạch có kêu hay không nếu ta chưa dám lắp OPT vào thì dùng 1 cái biến thế 110/220V – 9/12/18V loại 3A hay 5A bán ngoài Nhật tảo (nhớ lựa loại có vít 4 góc, giá khoảng 20-30K thôi). Còn có thể thay OPT bằng một điện trở có trị số tương đương để đo điện áp hoặc dòng điện.
    Khi cho chạy lần đầu tiên: Nhớ coi chừng con đèn 2A3, ngoài cái tim đèn sáng đỏ lu lu thì trông nó cũng phải bình thường như khi chưa có điện (có thể có thêm ánh sáng xanh dương mờ mờ). Nếu plate 2A3 mà hơi đỏ hồng hay tim đèn sáng quá thì nhớ tắt nguồn ngay (cái này mà để lâu là đèn nó “say goodbye” đấy), kiểm tra lại mạch xem sai sót chỗ nào trước khi cho chạy lại. Lắp loa vào thử lần đầu, nên dùng cái loa nào mà vất đi cũng không tiếc (tất nhiên là còn kêu rột rẹt ra tiếng). Sau khi loa thử đã kêu ra tiếng ... người rồi, mới nên thử loa tốt vào.
    Một số tranh cãi xung quanh trị số của tụ sau khi nắn điện: Có người chọn 10uf-47uf, có người chọn luôn 100 uf với lý luận sau đèn nắn thì chỉ cần nhỏ, còn sau diod mới cần lớn. Người chọn trị số thấp thì có lý luận rằng dòng nạp cho tụ ban đầu thường rất lớn, nếu tụ C1=100uf sẽ kéo dài thời gian nạp này nên đèn chỉnh lưu có thể hỏng. Nhưng ý kiến phản biện thì nói khi bắt đầu làm việc, tube chỉnh lưu sẽ dẫn dần theo nhiệt độ nung cathod chứ không dẫn ngay như diode bán dẫn nên dòng nạp ban đầu cho tụ C1 không lớn. Giá trị tụ 10uf có vẻ an toàn hơn, nhưng âm thanh không tốt ở phần bass (bass không sâu và có lực khi trị số chỉ 22 hay 47uF ). Ngoài ra, phương án kết hợp bằng cách đấu song song các loại tụ khác nhau sao cho tổng trị số tương đương như kiểu kết hợp thủy-lục-không quân có người cho là cực kỳ hay về mặt âm thanh và không quá 30mf là vừa và nếu sử dụng tụ dầu thì không nên vượt quá 10uf.
     
    Tags:
  2. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Chào mừng các bạn đến với phần tiếp theo của bài viết “Lọ mọ ráp ampli đèn 2A3 SE” ! Phần tiếp theo này tôi xin được đề cập đến công đoạn thi công kiểu “tuốc nơ vít” cùng những xử lý “âm thanh lạ” mà chúng ta thường gặp phải nếu “something wrong” trong quá trình lắp ráp. Tôi xin bắt đầu ngay đây !

    Sau khi “ngâm cứu” quá nhiều mà chả làm gì ...thì tôi thấy cũng kỳ, nên bắt tay vào việc. Khi sắp xếp các linh kiện theo mô hình theo dự tính trong đầu ra giấy, tôi đã quyết định được kích thước của ampli và phóng xe ra mua nhôm làm chassi. Tấm nhôm dày 3 mm, khổ 42x48cm với giá 122 nghìn, sau khi thuê dập mặt trước và sau nó sẽ có kích thước 42x33 cm, cao 6cm (nhôm tấm được bán ở đường Lý Thường Kiệt gần nhà thi đấu Phú Thọ và thuê dập cũng ở gần đó với giá 15 nghìn).
    Sở dĩ ampli hơi bị to vì tôi thích nó rộng rãi một tí để dễ thao tác trong lắp ráp, sữa chữa sau này. Nói thế thôi, chứ trước khi đem đi dập thì tôi đã dùng bút lông kim vẽ lên tấm nhôm sơ đồ dự tính và thực hiện khoan lỗ tất cả những phần cần thiết như 2 input tín hiệu, lỗ contact nguồn, nguồn AC, 4 cổng loa, 2 cổng biến trở 50 ohm ở phần mặt sau và lỗ volumn ở phần mặt trước; trên mặt chỉ có 5 lỗ cho 2 đèn 6DJ8, 2 đèn 2A3 và 1 lỗ cho đèn nắn 5R4 (nếu các bạn kỹ hơn thì có thể dán lên mắt nhôm 1 lớp nilon loại dùng để dán xe để tránh trầy xướt khi làm).

    “Em nó !”…Cái thuở ban đầu e lệ trong bóng tối ấy !

    Vì có ý định làm cho mặt nhôm xướt nên tôi ghé Bảy Hiền mua tờ giấy nhám mịn 4 nghìn và đánh bóng trước khi đem dập cạnh. Trong quá trình khoan lỗ thì lưu ý nên có một cái dũa tròn vì các mũi khoan kim loại có đường kính không khớp với đường kính của các chân đèn-ta phải dũa thêm cho vừa lắp. Xin nhắc lại chi phí một số món lặt vặt:
    • Chân đèn 9 chân cho đèn 6DJ8: 5.000đ/chân
    • Cổng loa TQ 60.000đ/ 2 cặp - jack input: 7.000đ/cặp,
    • Cổng AC tháo từ PC: 2.000đ, Dây cắm AC: 6.000đ
    • Biến thế nguồn: 140.000đ;
    • Biến thế xuyến Hoàn cầu dùng làm choke: 41.000đ
    • Tụ các kiểu 6 con: 18.000đ;
    • Trở các kiểu: khoảng <20.000đ
    • Dây dẫn: 16.000đ/ cuộn;
    • Dây dẫn tín hiệu 10.000đ/2m



    Rút kinh nghiệm sau khi lắp cái Pre-amp., tôi thấy công tắc cũng không cần thiết lắm nên cho nó ra phía sau đít máy. Đèn led on/off tôi quyết định cho biến luôn (vì đèn nắn cũng sang rồi và khi nào hứng gắn thì moi từ cổng đốt tim đèn nắn).

    Để không nhầm lẫn trong khi lắp ráp thì phải phân công nhiệm vụ mỗi dây một màu: cao áp B+, đối tim 2A3, đốt tim 6DJ8, nối mass … đều có màu riêng, có muốn hàn sai dây cũng khó.

    • Dùng 1 miếng gỗ dày 1.5cm để ngăn cách 2 ngăn của Ampli, trên miếng gỗ có khoan sẵn 4 lỗ đường kính 1cm để cho dây dẫn có lỗ............ để chui ra chui vào (mặt khác cũng có thể bắt vít vào miếng gỗ này khi muốn gắn các linh kiện khác).
    • Toàn bộ phần dây nguồn cấp và dây mass cho đi ngang; dây tín hiệu thì đi dọc theo chassi.
    • Dây nâu là đốt tim 2A3; dây cam là dây nối với biến trở 50ohm, vàng và đỏ là line tín hiệu .
    • Chỗ đèn nắn, tím là đốt tim, đỏ là cao áp B+ sau khi nắn (nối chân 8 của 5U4G), còn trắng là cao áp 340V.
    • 2 dây cam chỗ chân đèn cho 6DJ8 là dây chớ áp sau con trở 15K (điện áp chỗ này cỡ 240V), dây đen là đốt tim 6.3V (dùng chung vì đấu song song), dây xanh là thoát trở 1M, còn dây trắng là trở cathod 220K.
    • Phần nguồn thì làm đơn giản: sau khi B+ về thì vô 1 đầu tụ dầu 46uF-460V của Nga, sau đó qua cuộn choke, sau đó qua tụ lọc 110uF-450V (thực ra đấu nối tiếp 2 con 220uF, mỗi con đều có 1 trở 150K-2W để xả).

    Mỗi khi cắm điện là tôi thấy buồn cho cái nguồn điện 220V nhà mình vì cái lỗ cắm điện nhà rất thích cho điện áp.......238V. Thế mới có chuyện, khi lắp 2 cục nguồn vào thì thấy chóng mặt, mong đợi 340V thì ra 365V, 3V thì ra 3.6V, 6V3 thì ra 6.6V, 5V thì ra 5.5V … vậy nên mới có chuyện khi đặt quấn biến thế nên đặt sao cho ra nhiều điện áp khác nhau (cách nhau từ 10 đến 20 vôn). Ngoài ra, nếu muốn chắc ăn thì bạn nên dùng một cái ổn áp với công suất thích hợp.

    Mới đầu, sợ hư cái OPT nên tôi có ý định: sau khi xong phần nguồn B+ thì dùng điện trở tương đương để làm tải giả, công suất tính toán sơ bộ như sau:

    U=RxI -> R = U/I = 410V/0.06A # 7K Ohm cho mỗi kênh và công suất cỡ 24W. (mới nghĩ mà thấy hao quá vì cỡ 7 con trở 1KOhm5W cho mỗi kênh). Đúng 20h00 tối, tôi đã hoàn thành toàn bộ phần hàn nối còn lại, chỉ còn trơ 4 cọng dây chờ Ô-Pê-Tê mà trong long cứ tơ tưởng “ chả biết nó hát tiếng Việt hay tiếng Thái” nhưng cứ nhìn sản phẩm dở dang mà lòng cứ lân lân ...... sướng .

    Vì có ý định đốt tim bằng điện AC, nên tôi cứ lắp choke phía bên dưới ampli, nhưng tôi vẫn chừa khoảng không trước biến áp nguồn. Nếu sau “lễ cắm điện" mà có ù xì gì thì tôi sẽ lộn choke lên trên, khoảng không phía dưới tha hồ mà nắn diot và gắn tụ lọc. Lúc đó, phía trên cục choke xấy xí sẽ xử lý bằng cách xin phép vợ ra Siêu thị Cộng hòa, xem có lon đồ hộp nào có đường kính 9cm và cao 6cm là mua về tẩn gấp, lấy vỏ sơn màu ụp lên là hết xẩy .

    Tụ dầu sau đèn nắn 46uF thì "hơi nhớn quá", nhưng cứ thử đã, nếu có gì thì đã dự trữ sẵn 1 tụ dầu 8uF/1000V và 1 tụ PP 6.8uF, đấu song song vô thì chừng 15uF là vừa tròn “đôi mươi mười tám”. Để đảm bảo cao áp là 410V thì sau khi ra khỏi đèn, tôi cũng chừa chỗ cho khoảng 2 con trở sứ (công suất kha khá 1 tí) để “ém” điện áp xuống.










    Sau khi có trong tay 1 sợi dây đồng cỡ 1 ly vuông, bẻ thành hình chữ U để nó vòng qua đủ 5 cái đèn và gác 5 cái “mass quạt” trên đó. Điểm 1 ở giữa (điểm này hàn gá với 2 chân đèn octan dư của đèn nắn cho thật chắc), sau đó nối 2 sợi dây mass: 1 của điểm giữa CT của cuộn biến áp 340V-0-340V và 1 của cực âm của 2 em tụ lọc nguồn (trong ảnh là 2 sợi màu xanh). Điểm 2 và 3 (gần 2 mạch in 2 bên sườn) là nối mass của tụ 100uF-450V và 2 trở 5K 10W đấu song song.

    Lại nói đến mạch in này , tôi cho con tụ ở dưới đỡ miếng phiếp và miếng phiếp này lại được gắn vào thành gỗ ở bên bằng con vít và 1 ke nhỏ -> mục đích là chắc chắn, không bị chạm vỏ máy vớ vẩn (có buộc thanh đồng với tấm phiếp này bằng dây rút). Điểm 4 và 5 là nối mass của đèn đầu 6DJ8: trở 1M, trở 220 Ohm, mass của chiết áp volumn, mass của trở 56K 5W cùng tụ 47uF-400V. Hai đầu của thanh đồng này sẽ nối dây tới 1 điểm duy nhất trên vỏ máy (chính điểm này mà sau này cái ampli bị hum nhẹ - sẽ đề cập cách khắc phục ở phần sau).











    Để chuẩn bị áp B++ cho anod đèn 6DJ8, tôi dùng 2 tấm phiếp để treo 2 con trở sứ 15K 5W, trên đó còn gắn 2 con trở sứ 56K và 2 con tụ . Vì ở đây điện áp cao nên tôi hàn dây sao cho khối này như bị trói, khó cục cựa, có nghiêng ngã thì B++ cũng không bao giờ chạm vỏ máy ( an toàn khi sử dụng ). Mặt khác, tấm phiếp có đục sẵn lỗ nên cũng có thể thay trở dễ dàng khi muốn điều chỉnh điện áp B++ .

    Xin nói thêm về đường đi nước bước: điện cao áp B+ từ 2 dây đỏ sẽ được cấp qua OPT bằng 2 dây màu cam và trở ra bằng 2 dây màu đỏ và vàng trước khi vào anod của đèn 2A3 (cho 2 kênh phải và trái). Còn hướng kia, sau khi qua con trở 15K thì điện áp tụt đi khỏang hơn 150V thì còn 260V, cấp vào 2 đèn 6DJ8 qua 2 dây màu cam. Cùng lúc, nhánh kia cũng qua trở 56K cùng tụ song song để thoát mass như đề cập ở trên .

    Nhìn qua phần nguồn thì các bạn thấy 4 đầu dây đỏ để điều chỉnh điện áp bằng cách nối vào điện trở thích hợp khi điện áp cao hơn mong muốn. Còn bây giờ, khi chưa biết điện cao thấp thế nào thì cứ đấu nối thẳng. Lại nói thêm về cặp biến trở 50 ohm: nó được nối với 2 chân đốt tim 2A3 qua 2 dây màu cam và chân giữa nối với 2 con trở 50K thoát cathod bằng sợi dây màu xanh. Các bạn cũng có thể thấy là khỏang không gian chừa cho OPT khá rộng để sau này khoan lỗ gắn chân OPT và dũa khoét lỗ đấu dây OPT được tiện lợi (và sau này thay đổi trở kháng ra cho loa từ 8 sang 16 ohm cũng khỏe re !

    Trong khi chờ OPT thì tôi gắn mấy con đèn vô để đốt tim ... nhìn chơi. Điện áp nhà tôi hôm nay hiền hòa hơn: 232V; áp đốt tim 6DJ8 đo được 6.7V (coi như cũng OK đi vì cho phép từ 5.9 đến 6.9 V, nếu 6V thì ngon hơn); áp đốt tim 2A3 đo được 1 kênh 2.99V và kênh kia 3.25V (nghe bạn bè nói cứ đốt tim trước cho đèn nó … tập thể dục).

    Sau bao nhiêu ngày đêm chờ đợi, chiều tối hôm 22-03, chuyến bay Băng-cốc-Sài gòn cũng đã đáp an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ chiều, mang theo ông bạn V cùng thùng hàng to tướng toàn …OPT. Lao ngay vào việc, tôi lắp OPT vào chassi , tưởng bở nhưng khoai ra phết. Lỗ OPT có đường kính 38mm, tôi chỉ khoan lỗ 28mm (vì nghe ông bạn dọa là yếu chassi). Vì vậy, tôi phải tháo OPT và chèn vào cái mạch in 2 con ốc làm lông-đền, thế là nó cách chassi được 5mm, gắn vô tư mà không sợ B+ chạm mass (vì thức khuya nên hôm sau mấy ông bạn chưa thấy tôi bò lên mạng nên cứ nghĩ tôi bị làm sao!!!)

    À ! nói về OPT tí nhá ! khi tháo cái OPT tôi thấy phía trong OPT được nhà sản xuất đổ đầy một chất gì đó giống "nhựa đường", nhưng dẻo hơn (có loại OPT khác thì lại đổ 1 chất giống keo, màu vàng); nghe bạn nói là người ta làm như vậy để chống rung (mặc dù khi quấn OPT người ta đã luộc trong vẹc-ni nóng, hấp khô ở nhiệt độ cao).

    Lễ đóng điện diễn ra như sau: đốt tim 6DJ8 là 6.28V sau khi “bị” đấu nối tiếp với 1 con trở 0.5 Ohm 5W; Điện áp ra từ chân 8 của đèn 5U4G chỉ có 328V (mặc dù áp vào là 340V); Áp tụt sau choke hầu như không đáng kể và áp trên anod 6DJ8 chỉ có 168V; Áp tại chân đốt tim 2A3 chỉ có 120V; Cho tín hiệu vào thì có bị hum nhẹ (chỉnh biến trở thì chả xi nhê gì). Đối chiếu mạch thì sai bét. Bạn bè trên forum phán 1 câu y án: “biến áp nguồn bị quấn dối, mỗi đèn 2A3 khi cắm vào thì làm áp B+ tụt 45V, đích thị nguồn 5V cho đèn nắn cũng ầu ơ luôn”.

    Kể cũng tức, áp đốt tim tôi đặt 3V để trừ hao thì lại không tụt, báo hại tôi phải dùng 2 con trở 0.22 ohm để hạ nó xuống 2.48V. Dù vậy, không xì nổ, cháy loa, giựt điện ngay lần đầu đấu điện .... là vợ tôi mừng rồi. Vậy mà cũng có người khích lệ: “ Khà..khà !, cái em 2A3 của bác thế là nói tiếng người rồi ham, mà không những nói mà nó còn hát được nữa cơ chứ....!!! Kể từ nay không bác nào nói: "Kiến thức điện tử na ná như ... bác Robert Beng nhà ta nữa nhé...khà..khà...Vậy là bác đã đến được Đà Lạt rồi nhé.”
    Vậy là có động lực làm tiếp !

    Hôm sau, trên forum bị một bác gặng hỏi: “sơ đồ mạch nguồn ? ông tả kỷ lưỡng cái tăng phô nguồn về kích thước, cân nặng, quấn ở chợ Nhật tảo phải không? giá tiền bao nhiêu?” …và phán luôn: “thay nguồn khác”. Cả buổi tối hôm sau, tôi tháo tung bộ nguồn, lắp lại mới cục to hơn nhưng .... vẫn là Nhật tảo. Kết quả: vào 340V ra cũng 340V, vậy là hết thuốc rồi (lòng than thở Nhật tảo ơi là Nhật Tảo, sao mày không giống Nhật Bổn một xíu nào !!!)

    Tôi cũng nhận được vài lời chỉ dẫn cách thức thử nguồn như: cắt bỏ thử đường B+ cho 1 kênh, xem B+ có lên được ko; thử dùng diode thay đèn valve xem sao; không nên làm lung tung lên; vừa chỉnh đốt tim 2A3, 6DJ8, vừa giải quyết hum...cộng với sụt áp B+ 40V, 80V ..vân.vân..và..vân.vân..; tập trung giải quyết vụ B+ cho đúng đi đã, mạch đốt tim có sai chút đỉnh thì dễ giải quyết thôi .

    Theo một anh bạn có kinh nghiệm quấn tăng phô nguồn, tôi đặt vấn đề tính toán thông số để đặt quấn biến áp; cụ thể: cần nguồn B+ 410V dùng đèn valve chỉnh lưu, dòng tải tĩnh là 150mA (DC) thì nên quấn dây cỡ nào, lõi bao lớn, mấy Kg...? Đương nhiên là có câu trả lời:
     Mua Fe lưỡi 32mm ; bề dầy 50mm.
     Sơ cấp quấn 660 vòng ,dây 0.45mm cho 220Vac.
     Thứ cấp 1051 vòng dây 0.30mm cho ra 350 Vac /160mA.
     6 vòng dây 1.2mm cho ra 5.5 Vac/3A.
     Mật độ dòng điện tải chọn là 2.5A/cm vuông là ……….. bảo hành vô tư.
     Dòng 6,3 volts nung tim 6922 có thể thêm 22 vòng dây 0.5 nếu còn khe hở cửa sổ.

    Được người bạn (PC-Chip) cho mượn biến áp nguồn trong thời gian chờ quấn cái mới, kết quả bất ngờ là ….. nó ù lớn hơn (buồn hơn nữa là trong khi xoay xở thì vô tình tôi để B+ chạm mass và con đèn nắn 5U4G hình quả lê do bạn Via cho mượn đã không thể về nhà nữa – vì rụng râu).

    Ông bạn Gà Mờ đến, chả nói một lời, rồi lục tung khắp nhà....mod mod... hàn hàn.... ối giời ơi cái ù 10 phần nó giảm đến 7 phần, cách làm là dùng mạch lọc R-C: trước khi qua tụ lọc 100uF ta mắc nối tiếp 1 tụ 68uF và một con trở 100ohm (kiểu nguồn bậc thang);
    Vẫn còn e lệ !
    Mạch L-C vô dụng vì cuộn Hoàn cầu không có tác dụng như choke được. Ra về Bác Gà không quên nhắc nhở :
     Mắc lại dây phơi quần áo (ý nói thanh dây đồng làm mass), xài loại dây tốt, dây đang xài nổi ten xanh lè.
     Đi lại dây nung tim cho Nhị A Tam (đèn 2A3), và nung tim cho đèn tầng trước. Làm tốt thì khỏi phải nắn DC cho Nhị A Tam ...thật ra ở đây là xoắn dây cho tốt vì tôi đang dùng nguồn AC.
     Các mối hàn mass chưa ngấu lắm. Các đầu dây, các linh kiện cần hàn nên tắm chì trứơc khi hàn và nên cạo sạch...
    Mặc dù còn ù nhẹ, nhưng tôi cũng không quên hưởng thụ thành quả: giọng nữ có vẻ mỏng, thiếu ấp áp mà tôi nói đùa rằng: “nhận được email cảm ơn của Carol Kidd và Jeena Lodwich về việc con 2A3 đã làm 2 bà trẻ lại khỏang 3-4 tuổi “.
    Hôm sau, tôi rước về một cục biến áp 220-380V (nhưng thực ra là con biến áp dùng cho amp 300B của bạn Via), kết quả như sau:
     Khi không tải: vào 230V thì ra 400V AC, đốt tim 5.45V, áp tại chân trở 2.5K là 145 V (vậy dòng là 58mA)
     Có tải vào, điện áp trước con trở là 407V (sau đèn nắn ), sau con trở 100 ohm là 392-393V gì đó, thế thì nắn đèn xong áp không tăng bao nhiêu (tức là khi có tải 400V AC hạ xuống rất nhiều).
     Điều ngạc nhiên là tiếng ù hay hum gì đó đi đâu mất tiêu, chỉ còn lại đúng 1 phần, phải ghé tai sát loa lắm mới nghe được.
    Tóm lại là hôm qua thất bại bẻ bàng bao nhiêu thì hôm nay thành công bất ngờ bấy nhiêu. Tới thời điểm này thì tôi coi như thành công lắm rồi

    Giai đoạn tinh chỉnh:
    Với một người “dân kinh tế” như tôi thì liều mạng ráp Amp đèn... chỉ cốt thỏa mãn cái sự vui. Câu nói của một người nào đó đã nói “ráp Amp dễ không? rất dễ! ráp hay khó không? rất khó!” bắt đầu đánh vật trong đầu tôi. Với suy nghĩ “Khó” ở đây chính là quá trình cân chỉnh sao cho cái Amp. không dở đối với mọi người và nó cảm thấy hay......... đối với chính bản thân mình , tôi bắt đầu căn chỉnh … bắt đầu cái sự vui . Sau đây là quá trình cân chỉnh phơi bày đầy những cái đúng (ngẫu nhiên) và những cái chưa đúng (tất nhiên) mà bất cứ ai amateur như em đều có thể mắc phải .

    Với lời khích mở đầu của bác Yesterday “Hãy liều mạng lên, vì chỉ thấy sướng khi ta đi trên con đường lạ lẫm“, tôi bắt đầu kiểm tra áp cathod 2A3 và 6922 có đúng như schema không để tính dòng tổng có đúng là 140mA không. Sau khi cho amp chạy khoảng 1 tuần lễ để xem điện trở cathode có bị ngả màu vàng không (sẽ biết được nó có chịu được nóng cỡ nào). Sau khi con đèn nắn 5U4G đi tong, tôi phải mượn con 5U4G khác để dễ dàng nghiêng amp. để đo kiểm tra áp tại các điểm cần đo (đèn 5R4 tôi gắn thế không thể đặt nghiêng lung tung được vì có để chạm đốt tim). Công đoạn tiếp theo là còn phải chỉnh sao cho nó hết hum và hướng đầu tiên là phải kiếm 1 cục Choke. Tại sao như vậy? xin thưa các bạn: đây là lời trao đổi của một cao thủ:

    Bộ lọc nguồn DC cho B+ có vai trò rất quan quan trọng:
     Cung cấp nguồn DC sạch sẽ cho mạch.
     Dự trữ đầy đủ năng lượng để cung cấp cho mạch khi mạch xuất năng luợng ra, đặc biệt khi mạch hoạt động ở tần số thấp (vì tần số thấp có năng lượng lớn).

    Một số bệnh nguồn không phù hợp là: Thiếu tiếng bass hoặc bass bị dính: thiếu choke hoặc tụ lọc quá lớn trong khi biến áp nhỏ. Tiếng hát khi lên cao giọng bị vỡ: cao áp cấp cho đèn công suất thiếu.

    Vì vậy, khi lọc nguồn, người ta thường hay sử dụng mạch lọc RC hoặc LC mắc theo kiểu hình pi để lọc hết các hài sin của điện DC sau chỉnh lưu. Còn nếu dùng mạch lọc C-R-C, giá trị điện trở R phải khá lớn nên tổn hao áp rơi trên bộ lọc nguồn là khá cao (đây cũng là lý do tiếng hum sẽ xuất hiện khi ta giảm trị số điện trở). Do đó mạch C-L-C được ưa chuộng hơn vì tổn hao áp thấp.

    Hơn nữa mạch C-L-C ngoài tác dụng lọc tốt hài sin, cuộn choke (L) còn có tác dụng dự trữ năng lượng cho mạch (dưới dạng từ trường - tụ dự trữ dưới dạng điện trường) – điều này có tác dụng rõ rang nếu ta dùng OPT bé. Choke đúng nghĩa: nói nôm na cho dễ hiểu là choke có Fe tốt như OPT. Vì vậy, nếu ta sử dụng OPT to (Fe EI 25W mà output chỉ có 3.5W) thì sẽ đỡ tốn tiền cho choke (chỉ cần kiếm choke 5H-200mA cho cả hai kênh).

    Điều kỳ diệu đã xảy ra vào hôm sau, tối hôm đó tôi đã tháo bỏ mắt lọc RC của bác Gà Mờ, gắn vô 1 cuộn choke USA-quân sự 4H kiểu "tiệt nọc" của bác Viagraless (do bác Yesterday tặng), ghé tai vô sát loa độ nhạy 97dB mà chỉ nghe tiếng lông mũi nó rung - Thành công ngoài dự kiến!
     Mới khởi động thì tiếng bass có vẻ lùng bùng, đi kiểu 2 hàng.
     Sau 5-10 phút , tiếng bass tốt lên rất nhiều (so với khả năng của thằng toàn dải Fostex).
     Tiếng mid đã đưa 2 chị Carol Kid và Jeanna Lodwich về điểm xuất phát: gái một con-mặn mà.
     Tiếng trebe tuy tách bạch nhưng có cảm giác âm lượng nhỏ hơn so với 2 dải kia.
     Khi bật volumn lên khoảng ở nấc 3 giờ thì có nghe ............. muỗi bay (tuy hơi nhẹ)
    Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn nở một nụ cười thu hoạch (amateur mà được kết quả như vậy thì đáng mừng rồi). Để chia sẻ niềm vui thành công của tôi, một bác trên forum đùa 1 câu: “... phải công nhận là bà tiên may mắn luôn ghé thăm nhà kẻ siêng năng“ và tiếp tục tư vấn: “volume nấc 3 giờ có tiếng muỗi bay hơi nhẹ dễ chỉnh lắm, thay dây tín hiệu loại dẫn từ jack input vào volume và từ volume đến lưới đèn bắng loại có bọc kim tốt là xong và cái vụ sau 5-10 phút thì bass mới ổn định là đương nhiên vì đây là tube amp. mà!”

    Ngoài ra bác ấy còn giải thích thêm “ chất lượng âm thanh như vậy là đạt vì OPT và tube 2A3 còn mới tinh, cần phải burn-in khoảng hơn tháng, nếu muốn âm thanh của em 2A3 này hay hơn nữa, thì cứ từ từ tìm linh kiện tốt mà mod. thêm vào”.

    Thoạt đầu tôi định thay volumn nhưng sau đó thì từ bỏ ý định luôn vì sau khi đưa choke lên chassi với vị trí chính thức, cắt bỏ một số đoạn dây dẫn B+ loằn ngoằn, treo mạch B+ vào vị trí cố định, thay đèn 5R4WGB Raytheon bằng 5U4G Sylvania, thay trở vào bằng 2 con 1K mắc song song (0.5K) cho phù hợp với chiết áp 250K thì: tiếng muỗi biến mất (tựa như mấy con muỗi bay qua nhà hàng xóm hết thì phải). Tôi tiếp tục ý nghĩ nâng cấp tiếng treble bằng cách thử tụ nhỏ 104 hoặc 105 mắc song song với tụ thoát cathod.
    Đang trình diễn trước công chúng !

    Sau đây là review của tác giả của mạch cái amp 2A3 của tôi:
    1. Schema:
    Được xây dựng trên một số link kiện tương đối dễ tìm trên thị trường.
    • Tầng Voltage Preamp Stage: dùng tube 6922/6DJ8/ECC88 họat động trong chế độ Shunt Regulator Push Pull (SRPP) cho mu khoảng 33, với thiên áp âm đầu vào khỏang -2V và dòng tải tĩnh 10mA đủ cung cấp tín hiệu có biên độ và công suất cần thiết để điều khiển lưới đèn 2A3 của Power Output Stage.
    • Tầng Voltage Preamp Stage và tầng Power Output Stage được ghép theo kiểu ghép trực tiếp (Directly Couple)
    • Tầng Power Output Stage dùng tube 2A3 họat động ở chế độ class A với thiên áp âm tự động (Cathod Bias) là -50V, điện áp Plate-Cathod là 250V và dòng tải tĩnh 60mA, công suất ra Pout=3,5W.
    • OPT được chọn là Silk S325 của SAC Thailand vì có giá chấp nhận được, tương đối dễ đặt và thông số điện công bố khá thuyết phục: Zin=3Kohm, Zout=8/16Ohm có thể chuyển đổi công suất ra tối đa là 25W (khá lớn so với yêu cầu 3,5W của tube 2A3), đáp tuyến tần số 13Hz~150000Hz/-3dB.

    2. Tổng kết
    Xin chúc mừng bác Robert Beng, người khởi xướng cái topic này và cũng là người đầu tiên hoàn thành việc DIY cái Project đầu tiên của topic. Trên thực tế, bác Robert Beng vừa lắp vừa mod. theo các hướng dẫn của của các bác Hien_SG, Hamcq, Tea Blue, Viagraless và em cùng nhiều bác khác nữa…nên kết quả phần power supply như sau:



    Power Transformer: Mượn tạm (hình như chưa hẹn ngày trả) từ bác Viagraless. Cái transformer này cũng đặt quấn Nhật Tảo cho cái project 300B!!! nhưng không đạt yêu cầu vì cuộn thứ cấp cho B+ dây hơi nhỏ, bù lại có điện áp ra tương đối cao (380-0-380). Bù qua sớt lại cuối cùng cũng đủ cấp áp ra cho B+ khỏang 407V với dòng tải tổng 147mA (so với 410V yêu cầu).

    Choke: dùng choke quân sự 4H-200mADC-70ohmRDC.

    Tụ: Tụ nguồn ngay sau valve chỉnh lưu dùng tụ dầu 47uF-450V (áp hơi thấp nhưng cũng may là nhờ dùng tube chứ không phải FRED nên chưa thấy sự cố gì !!!) Riêng phần đốt tim 6.3V của 6922 và 2 cuộn 3V cho hai đèn 2A3 thì chơi luôn một transfomer riêng.

    Kết quả: Hiện nay, em 2A3 này tối nào cũng thỏ thẻ với với bác Robert Beng như thế này: ”Bass mạnh mẽ, Mid. dày và sáng nhưng hình như Treble còn hơi thiếu một chút. Chàng phải mod. thêm ít nữa thì thiếp mới đều 3 dải.”
    Cuối cùng, để tiện cho việc mod. âm thanh theo ý thích riêng, em có vài ý nho nhỏ thế này:
     Choke: mạch chỉ cần 3H~10H-180mADC là đủ. Nếu tăng độ tự cảm của choke lên cao quá, bass sẽ hơi thiếu lực mặc dầu vẫn chi tiết.
     Tụ lọc nguồn có thể tăng giảm sao sao tổng dung lượng trong khoảng 150uF~300uF. Có thể sử dụng tụ dầu, hay tụ hóa hoặc phối hợp với tụ mica hoặc PP theo kiểu Thủy-Không-Bộ Binh của bác Hien_SG và bác Hamcq nhưng nhớ là điện áp tụ không dưới 500V nhé.
     Tụ thoát cathod đèn 2A3: cũng có thể phối hợp theo kiểu tụ hóa + tụ MPK nhưng tổng giá trị không nên nhỏ hơn 68uF.
     Thay đổi nhẹ giá trị trở cathod cũng có thể tăng cường bass hay treble, nhưng không nên quá phạm vi 15% giá trị trên schema.
     Đèn 5R4 có thể thay bằng 5U4 hoặc 5Z3 đều được (có thể âm thanh thay đổi một tí – hay dở thế nào tùy theo người nghe).

    -Hết-
     
  3. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Re: Ráp Amp 2A3 SE cho amateur

    Về ý tưởng và mục đích lắp 2a3 của em và bác Rùm hoàn toàn giống nhau (cũng cho Fostex) và đặc biệt hoàn cảnh cũng y như bác Rùm ngày xưa ( cũng là nghiệp dư, đam mê là chính).Và vì ảnh hưởng của Monoblock EL34 lần này em cũng chơi Monoblock 2A3 .Đây là mạch 6sl7-2a3 :[​IMG]

    - Những thứ đã có và sắp có:
    02: 2A3 JMTEC
    02: 6SL7
    02: 5U4G
    02: tụ 0,22mF 600V
    02:Choke ( Nhờ anh TeaBlue)
    02:Transfomer ( Nhờ anh TeaBlue)
    02:công tắc
    02:Volume 500k
    Dây bạc anh em SG gởi và bạc quân sự tháo máy.

    - Những sắp tới phải làm:
    *Quấn 2 cục nguồn, đang xem xét có nên cuốn đốt tim và cao áp riêng hay không?, và cuốn đầu ra bao nhiêu để sau này dễ làm cũng như tránh sụt áp
    *Kiếm tụ nguồn, các loại tụ nguồn vol nhỏ (<35V), mF cao (>100mf) của Elna thì em kiếm được một mớ , chẳng biết có sử dụng được không?

    Có gì nhờ các bác tư vấn giúp em.
    Thanks
     
  4. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Re: Ráp Amp 2A3 SE cho amateur

    Tưởng không ai ráp 2A3 nữa :D :D

    - Đèn nắn dùng nho nhỏ cỡ 5Y3 là đủ rồi .
    - Biến áp nguồn thay vì quấn 290V-0-290V thì quấn ra như sau : 0-10-280-300-320-350-370 là đủ sức thay đổi áp ra và tha hồ mà mod
    - Mấy cái tụ đó để dành .... ngắm thôi , 47uF và 150uF /400-450V thì nhắn mấy anh SG tìm cho .
    - Thiếu : trở cathode và biến trở chỉnh hum .

    Trước mắt như thế đã .
     
  5. Teablue

    Teablue Advanced Member

    Joined:
    6/12/05
    Messages:
    4.259
    Likes Received:
    21
    Location:
    Sài Gòn
    Với cục nguồn thì bạn nvduybom không cần phải quấn riêng đâu . Còn nếu muốn dự trù cho các version sau nầy thì bộ nguồn nên quấn hơi tham 1 tí cũng không sao .
    -Phần cao thế : Chỉ cần quấn một cuộn với các đầu ra: 0-10V-300V-350V-390V /200mA ,dây đồng 0.35 mm
    -Phần đốt tim cho 2A3 : quấn 5V/2.5A có center tap (2.5V-0-2.5V) đặng sau nầy lên đời 300B .Đương nhiên khi dùng cho 2A3 thì lấy ra 0-2.5V
    -Phần đốt tim 6.3V : nên quấn 6.3V/ 2.5A
    2.5A thì dùng đồng 1.2mm

    Monobloc dùng vô tư ,tính luôn lên đời thì cục Fe cở chừng lưỡi 36mm ,dầy 60mm
    Chúc thành công
     
    eagame likes this.
  6. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Việc đặt biến áp nguồn có vấn đề, ông chủ không hiểu cách cuốn đầu ra như trên, chỉ hiểu cách cuốn đối xứng.hihi
    - phần đốt tim thì như anh Teablue
    -cao áp thì 390-360-350-0-350-360-390

    Còn về tụ nguồn, khó nhất là tụ 47mF, đang lục chợ trời để kiếm 2 em (nhưng Đà Nẵng mưa quá, hàng đồng nát không về gì mới).

    Trưa nay anh em Đà Nẵng tập trung nhà em test 6B4G của Duc Vu,nghe đúng là khác EL34 nhiều, tiếng dàn trải , rõ nhất là bass rất gọn.Nhìn lại ampli Ducvu ???, toàn đồ dế không. Hihi cố gắng hoàn thành ampli này đấu với dế vậy, DucVu ơi?.
     
  7. Teablue

    Teablue Advanced Member

    Joined:
    6/12/05
    Messages:
    4.259
    Likes Received:
    21
    Location:
    Sài Gòn
    Bác tham khảo mạch sau :
     

    Attached Files:

  8. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    1.Nếu cuộn 6.3 V không quấn có điểm giữa thì chân 2 diod kia đấu thẳng xuống mass

    3. 2 đầu ra của 6.3 V nối với 2 con trở 100 Ohm , 2 đầu còn lại của 2 con trở đó cũng xuống mass luôn .

    Đúng không các bạn ?
     
  9. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Tụ nguồn em đã kiếm đủ một kênh,mọi thứ cũng đã hòm hòm.Tối nay về kiểm tra số điện trở sắp xếp đàng hoàng trước khi lắp.Tình hình thứ 4 này là có OPT và Choke Teablue .
    Còn Biến áp nguồn chắc phải đặt nơi khác quấn.Ông già em bảo ông này chuyên quấn biến áp ,Opt (lúc xưa) chắc giờ cũng quên hết rồi, điện mãi cứ bảo đang tìm Fe.

    À, còn 2 cái biến trở chỉnh hum. Bác nào mua giúp hộ em 2 cái.
    Thanks
     
  10. Viagraless

    Viagraless Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    5.592
    Likes Received:
    253
    Em có nhờ mấy member bên Nhật bổn dịch hộ bác Duybom mấy dòng chú thích lằng ngoằng trên sơ đồ, đại ý là :

    1- Nếu vặn hết volume mà vỡ tiếng thì có thể bỏ tụ thoát catod đèn 6SL7
    2- Nếu kiếm được trở cathod cho đèn 2A3 công suất cỡ 20-30W thì tốt hơn.

    :lol:
     
  11. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Sau khi được tư vấn bởi các bác đi trước, em lắp mạch 2A3 của anh Rùm ngày xửa ngày xưa. Linh kiện tập hợp đầy đủ. Còn thiếu cái anh nguồn, trưa nay đi lấy Fe về cho mấy anh thợ quấn.Tối hôm qua vừa nhận được Opt và choke của anh Teablue. Để toàn tâm cho việc lắp ráp, em vừa in đơn xin nghi phép (vả lại gần hết năm ,không nghỉ cũng mất phép).Hi vọng sớm cất tiếng cùng EL34 Quang Minh.


    * Con trở nối katot,lưới đèn 6dj8 em thay 240 Ohm ( 2 trở //480 Ohm) ?.
     
  12. ducvu

    ducvu Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    515
    Likes Received:
    1
    Hehe !
    Dế vậy thôi bác à. Cái 6b4g này em lắp với mục đích làm quên với đèn 3 cực với tiêu chí "có gì xới cái đó" Kết quả thu được như vậy là em phấn khởi rồi, Ver2 sẽ khác nhiều đó bác.

    Bác cố mà lắp cho nó kêu được như cái đồ Dế của em là thành công bước đầu rồi đó.
    Cố lên bác nhé.
    Chúc thành công.
     
  13. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Mạch này nhìn đơn giản nhưng lại khó kiếm tụ với điện trở. thông số đã khó lại còn đòi hỏi điện trở phải 5W nên ampli em toàn trở sứ ghép lung tung. Ah, sai số như thế này có ảnh hưởng gì không ?
    56k/5w =5 * 10K + 1*6,7K
    2,5k/5w =2*1k + 4,7 k
     
  14. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    bác ạ ! 220K/2W cặp // 4 con được 55K/8W , sai chút đỉnh mà , biến áp thì chưa có, bias tự động không sao đâu .

    2.5K/5W thì ra chợ mua trở sứ 10K/5W nối // 4 con được 2.5K/20W thì tha hồ .

    Cố lên .
     
    Tantrang likes this.
  15. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    Chắc chắn là phải giải quyết xong em này sớm, chớ không phụ lòng anh em giúp đỡ,hi..hi . Em đang giải quyết phần nguồn, em dùng đèn nắn 5Z3 theo sơ đồ chân thì đưa cao áp vào chân 1,2 và ra chân 4, nhưng sao đo mãi nắn ra vẫn là 5V, đang search Net xem thử cách đấu như thế nào( chớ giờ này chẳng biết điện hỏi ai). Điện trở thì được rồi bác Rùm , cũng tàm tạm chỉ có con 56K thành 56k8 .
     
  16. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Nguồn có CT không ?
     
  17. Likeaudio

    Likeaudio Advanced Member

    Joined:
    5/12/05
    Messages:
    109
    Likes Received:
    0
    Location:
    Hà Nội
    Nếu có CT mà không nối vỏ máy có sao không bác Rumbeng, em lắp pre 6SN7 sáng nay đo cao áp thấy 3,...V; Em nghĩ chắc thiếu cái gì đấy, đọc bài này bác hỏi bác nvduybom có CT không? em thấy mình quên chưa làm gì với cái cọc CT trên biến áp, em chợt nghĩ hay là tại mình chưa nối CT với vỏ máy.
     
  18. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    bác Duy Bờm không báo cáo kết quả kịp thời.

    Không nối CT với mass thì không kín mạch , làm gì có cao áp .

    Duy đã a lô cho em : cao áp đã lên 410V .

    Kính báo .
     
  19. Likeaudio

    Likeaudio Advanced Member

    Joined:
    5/12/05
    Messages:
    109
    Likes Received:
    0
    Location:
    Hà Nội
    OK, cảm ơn bác, tại em cứ ngô nghê thế này CT chắc đấu vào vỏ biến áp, cỏ biến áp gắn vào vỏ máy thì chẳng cần đấu CT nữa.
    Em cảm ơn, đúng là mỗi ngày học 1 ít.
     
  20. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20
    hehe,nguồn nhà em mấy hôm nay sao chuối lạ lùng, lúc thì 220v lúc thì 190V. Cục biến áp thì khỏi phải nói, điện cho đốt tim 2A3 có 2V => em nó liu riu chứ chẳng sáng
    - Thông số đo được:
    sau đèn nắn : 380V
    sau khi giảm bằng trở 15K vào Anốt đèn 6DJ8: 180V, Catot đèn 6DJ8: 90V


    - Bật nguồn lên lần đầu tiên, đầu tiên là bóng 5Z3,6DI8 và bóng 2A3 sáng từ từ ,mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát tay vẫn giữ công tắc nguồn .tiếng biến áp rù rì trong im lặng và hồi hộp. Lòng nghĩ thầm mình ráp tay nghề hơn ông Rùm (Ông ấy tiêu tùng con 5U4 mà mình có bị gì đâu, hay là do bài 'Liều mạng lắp 2A3' bác ấy viết kỹ quá ???).Tắt nguồn đấu dây loa vào ,thất vọng bắt đầu từ đây. Loa rung lên bần bật (may lấy loa cũ làm thí nghiệm), ù to , để lâu một tí mấy con trở thoát catot đèn 2A3 nóng chịu không thấu, thay vào // 4 trở 10K/3W cũng không khá hơn.

    - Tình hình hiện tại, đang tắt nguồn nằm im chờ tư vấn của các cao thủ. Nhào dzô giúp em cái nào !.
     
  21. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Khà khà, bây giờ thì Bác biết lý do tại sao em phải quấn nguồn rồi ha .

    Bác không nói rõ : nguồn quấn bằng Fe bao nhiêu, điện áp là bao nhiêu ( 350V?? ), trước đèn nắn, sau đèn nắn ... thì mới thẩm định được cái nguồn.

    Kinh nghiệm cho thấy : Chợ thì dùng Fe 32 trong khi mình luôn dùng Fe35-36 ( lý do giảm giá thành đó )
    Mình quấn cách lớp còn Chợ thì vô tư đi vì cửa sổ bé quá mà . hehe, sau khi xong cuộn thứ cấp thì mấy anh thợ sáng tạo là dùng 2 dây nhỏ để quấn ( vì dây lớn thì chỗ đâu cho 2 cuộn đốt tim)

    2.5V mà còn 2V thì Fe nhỏ, ít Fe , tính số vòng trên vôn quá bé => thiếu công suất.

    Nhắc lại nỗi buồn chú 5U4G quả lê của bác Via rồi . Trăm sự là bất cẩn để cao áp chạm mass-> tèo .
    Nếu Ò tu thì xem lại :
    - Lọc nguồn kỹ chưa ? RC hay LC ?
    - Đót tim AC hay DC, đi dây có kỹ không ?
    - Đi mass có theo thứ tự chưa ?
    - Điện áp tại B của OPT, Plate, Cathode của 2A3
    - Em đã bảo là dùng trở sứ 10K/5W đấu song song mà .
    - Gọi điện cho bác Ducvu 6B4G đi . :lol: :lol:
     
  22. ducvu

    ducvu Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    515
    Likes Received:
    1
    Chiều qua có nghe bệnh tình nhưng bận quá chưa thăm bênh được, đã hướng dẩn qua phone không biết bệnh tình thế nào rồi. Theo như bác Duy nói em nghi phần Mass bác đi dây chưa ổn lắm, Tối qua có mang thuốc đến nhưng không có gia chủ ở nhà. Bác Duy post kết quả lên đi để các bác còn chuẩn đoán.
     
  23. nvduybom

    nvduybom Advanced Member

    Joined:
    7/12/05
    Messages:
    947
    Likes Received:
    20


    Em đốt tim AC,
    Heheheheheheheheehe, đang post bài nữa chừng em quyết định lên đo đọc kỹ vào thử tiếp, sau khi đo đạc :B+=400V,P=400V,Catot 2A3=100V.
    sau khi được DucVu tư vấn em chơi 2 trở 20Ohm nối đốt tim đèn 6DJ8 xuống mass,tiếng ù biến mất em nnó bắt đầu thỏ thẻ.Thôi tiếp tục cái đã, post bài sau ...
     
  24. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Cathode = 100V => dòng = 40mA hơi yếu rồi .
    2 con trở 6DJ8 đó chơi 100 Ohm luôn đi !
    Lọc bằng trở hay Choke ?
     
  25. ducvu

    ducvu Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    515
    Likes Received:
    1
    Lọc bằng Choke bác à. Cảm giác trưa nay nghe rất ổn. Tối nay bác phối với Ft208 nghe đi.
     

Share This Page

Loading...